Tương lai của xe điện qua lời dự đoán của cha đẻ pin lithium
Tương lai của xe điện qua lời dự đoán của cha đẻ pin lithium
Theo dõi MTĐT trên
Với mục tiêu dẫn đầu thị trường pin lưu trữ pin toàn cầu vào năm 2025, Nhật Bản cần phải nhanh chóng tăng doanh số bán xe điện
Nhật Bản từng dẫn đầu lĩnh vực pin lưu trữ lithium-ion khi nhà hóa học Akira Yoshino phát triển mẫu pin thương mại khả thi đầu tiên vào năm 1985. Giờ đây, quốc gia này đang phải tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp vốn đang tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu.
Ông Yoshino, người giành giải Nobel hóa học 2019, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei Asia: “Thị trường xe điện của Nhật Bản phải phát triển. Các nhà sản xuất ô tô trong nước phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc giúp ngành công nghiệp pin dự trữ phục hồi.”
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã chậm chạp trong việc nắm bắt sự chuyển đổi toàn cầu từ xe chạy bằng xăng và dầu diesel sang xe điện, tụt hậu so với các thương hiệu nước ngoài như Tesla của Mỹ, Volkswagen của Đức và SAIC Motors của Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản Toyota tiếp tục bị các nhà đầu tư cũng như các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích vì miễn cưỡng áp dụng những mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Nhật Bản coi pin lưu trữ là “một trong những công nghệ quan trọng nhất” để đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050.
Thủ tướng Fumio Kishida đã nhiều lần nhắc đến vấn đề này trong các bài phát biểu của mình, gần đây nhất là hồi tháng 10. Là một phần trong gói kinh tế trị giá 200 tỉ USD chống lạm phát, ông hứa sẽ “tăng cường” khả năng cung cấp pin dự trữ của quốc gia và hỗ trợ giới thiệu xe điện công nghiệp.
Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi chính phủ công bố một kế hoạch chiến lược mới tập trung vào việc tái tạo năng lượng cho ngành công nghiệp pin vào hồi tháng 8, bày tỏ lo ngại rằng “các công ty Nhật Bản có thể trở nên kiệt sức và rút lui khỏi thị trường” trong điều kiện hiện tại.
Ban đầu được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử di động, pin lithium-ion giờ đây chủ yếu được lắp đặt cho xe điện – một lĩnh vực mà Nhật Bản đang nhanh chóng mất đi vị thế.
Năm 2015, Nhật Bản dẫn đầu thị trường pin xe điện toàn cầu với 52% thị phần, tiếp theo là Trung Quốc với 27% và Hàn Quốc với 14%. Dựa trên nghiên cứu của Fuji Keizai, 5 năm sau, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu, nắm giữ 37% thị phần toàn cầu, theo sau là Hàn Quốc với 36% và sau đó là Nhật Bản khi mức thị phần giảm xuống còn 21%.
Vị thế dẫn đầu không bền vững của Nhật Bản là điều không thể tránh khỏi bởi thị trường xe điện nội địa hiện đang rất chậm chạp trong việc mở rộng.
Dữ liệu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, ô tô điện chiếm 16% và 6% doanh số bán ô tô trong nước tại Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm 2021, tăng lần lượt 18 lần và 30 lần so với năm 2015. Trong khi đó, thị phần xe điện của Nhật Bản vẫn chỉ khoảng 1% trong năm 2021. Con số này hầu như không tăng so với mức 0,6% hồi năm 2015.
Ông Yoshino, người hiện đang đứng đầu Trung tâm nghiên cứu phát thải không khí toàn cầu, một cơ sở nghiên cứu quốc gia về các công nghệ không phát thải nói rằng “Bạn không thể bắt đầu phát triển pin nếu bạn không có khách hàng ở quốc gia của mình”.
Sự gia tăng của xe điện, kết hợp với lời kêu gọi về khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng, đã thúc đẩy cuộc chiến pin vượt ra khỏi Châu Á. Liên minh Châu Âu – nơi sẽ loại bỏ dần các phương tiện không sử dụng điện vào năm 2035 – và Mỹ, nơi Tesla đã mở đường cho xe điện, đã và đang thực hiện các biện pháp giảm thuế cũng như kiểm soát để xây dựng chuỗi cung ứng pin trong khu vực và thúc đẩy phát triển công nghệ.
Ông Yoshino cũng lưu ý, những nỗ lực phát triển công nghệ pin ở các khu vực như vậy đang rất suôn sẻ nhờ nguồn tài trợ dồi dào, nhưng đang gặp khó khăn ở bước đưa công nghệ này vào sản xuất hàng loạt cũng như trở nên khả thi về mặt thương mại.
Yoshino nhìn thấy “cơ hội thứ hai” để Nhật Bản lấy lại khả năng cạnh tranh vào năm 2025, khi “doanh số bán xe điện tăng đáng kể sẽ bắt đầu kích thích nhu cầu về pin nhiều hơn. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng thúc đẩy các quốc gia xây dựng chuỗi cung ứng với đồng minh, Nhật Bản phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu một cách ổn định.
Chiến lược được đưa ra hồi tháng 8 này sẽ là chìa khóa để Nhật Bản “ít nhất có cơ hội” chiến thắng. Chiến lược này bao gồm mục tiêu thiết lập cơ sở sản xuất pin và vật liệu trong nước với tổng công suất 150GWh mỗi năm, chậm nhất vào năm 2030. Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng năng lực sản xuất trên thị trường toàn cầu lên gấp 10 lần, đạt mức 600GWh vào năm 2030, chiếm 20% thị phần.
Những biện pháp để đạt được các mục tiêu đó bao gồm tăng cường đầu tư và tăng cường hợp tác chiến lược với các đồng minh. Bên cạnh đó, xứ sở mặt trời mọc cũng cần thúc đẩy xe điện để tạo ra nhu cầu trong nước.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị