Nghệ An: Phiên chất vấn phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa lũ
Nghệ An: Phiên chất vấn phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa lũ
Theo dõi MTĐT trên
Trong phiên họp ngày thứ 2 của Kỳ họp thứ 11 – HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình về công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và quản lý, vận hành các hồ, đập thuỷ lợi.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu dự kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 đặt nhiều câu hỏi của cử tri về các nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ.
Bà Hồ Thị Thuỳ Trang (Đại biểu thị xã Hoàng Mai) cho biết băn khoăn của cử tri liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước vùng hạ du của cử tri Hoàng Mai. Cụ thể, Nghị định 114 ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về an toàn hồ đập chứa nước đã có hiệu lực hơn 4 năm, vậy cử tri mong muốn được biết, việc xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt tỉnh ta đã thực hiện đến đâu, việc công bố, công khai cho người dân được thực hiện như thế nào? Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã thực hiện đến đâu, và thông tin cảnh báo sớm cho người dân vùng bị ảnh hưởng trước khi hồ xã lũ và khi có nguy cơ xẩy ra sự cố có kịp thời để người dân phòng tránh hay chưa?
Trước những băn khoăn của đại biểu về việc sớm hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm theo quy định tại Nghị định 114, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng: xây dựng bản đồ ngập lụt và các cơ sở dữ liệu là một việc rất khó, đòi hỏi nguồn lực nhiều. Và kể cả khi đã có thì đây cũng là một kênh tham khảo. Hiện Nghệ An mới chỉ xây dựng được một hệ thống bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du của sông Cả. Theo ông Đệ, xây dựng xong bàn giao cho người dân thì phải cắm mốc, trong khi kinh phí hạn hẹp. Đây là nguyên nhân toàn tỉnh mới thực hiện được một hệ thống và 2 hệ thống đang triển khai.
Ông Hồ Sỹ Nguyệt – Đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Quỳnh Lưu cho rằng: Trước đây mưa lớn chỉ xẩy ra ngập lụt ở vùng thấp trũng, vùng xa sông, xa biển. Tuy nhiên những năm gần đây, khi mưa lớn lại xẩy ra ngập lụt ở vùng gần sông, gần biển, nhất là một số đơn vị đồng bằng, kể cả Tp Vinh, vậy đâu là nguyên nhân và giài pháp trong thời gian tới như thế nào?
Trước câu hỏi này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là do thời tiết cực đoan, xẩy ra mưa dồn dập với cường độ lớn. Bên cạnh đó, có yếu tố tác động của con người, đó là có tình trạng người dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang tiêu thoát lũ, thu hẹp dòng chảy. Các vùng đệm trước đây như ao hồ trước đây bị bồi lấp để xây dựng các công trình dân dụng dẫn đến tiêu thoát bị hạn chế dẫn đến ngập úng.
Để giải quyết tình tình trạng này, giải pháp đặt ra theo ông Đệ là các công trình, dự án liên quan đến dòng chảy dứt khoát không được xây dựng. Đối với các công trình xây dựng trái phép ảnh hưởng đến dòng chảy, ngăn dòng chảy thì nhất định phải tháo dỡ.
“Ở đây có sự buông lỏng của chính quyền cơ sở, để người dân xây dựng nhà cửa, công trình lấn sông nên vào mùa mưa, nước không thoát ra được ra cửa biển nên gây ngập lụt. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm về lấn chiếm hành lang thoát lũ”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn, các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước đối với hồ đập do cấp xã quản lý hoặc tư nhân vận hành; những vi phạm trong lấn chiếm hành lang các công trình thuỷ lợi, dòng chảy tiêu thoát lũ cũng đã được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giải trình và làm rõ.
Cụ thể, Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa thủy lợi và 22 hồ thủy điện, trong đó có 687 hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa có thiết bị đo đạc, quan trắc, cảnh báo an toàn đập và xây dựng bản đồ ngập lụt.Theo ông Đệ, việc vận hành 22 hồ chứa thủy điện đang hoạt động tại Nghệ An đều tuân thủ theo quy trình đã được phê duyệt. Các dữ liệu này được kết nối trực tuyến hằng ngày với bộ, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh để theo dõi, giám sát.
“Qua kiểm tra cho thấy các chủ hồ, địa phương cơ bản đã thực hiện đúng quy định khi xả lũ như bằng điện thoại, văn bản, loa phát thanh cho người dân và thông báo người dân tối thiểu trước 4 giờ”, ông Đệ nói.
Kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, Nghệ An quản lý số lượng rất lớn về các hồ đập, là địa phương chịu tác động trực tiếp nặng nề về thiên tai, nhất là lũ và lụt. Năm 2022, chỉ tính riêng cơn bão số 4 đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng năm, việc vận hành hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi được cử tri quan tâm lo lắng. Chính quyền các cấp đã thực hiện cơ chế điều hành thống nhất từ trên xuống dưới; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành và các địa phương; thực hiện phương án 4 tại chỗ luôn chủ động, thường xuyên định kỳ tổ chức diễn tập, phòng chống thảm họa thiên tai. Công tác động viên, thăm hỏi hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại được thực hiện kịp thời.
Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu lên những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới, đó là số lượng công trình thủy lợi xuống cấp nhiều, nguy cơ mất an toàn cao, cần quan tâm giải quyết từng bước và căn cơ để không ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Tình trạng thiếu các thiết bị quan trắc, dự báo hiện đại để phục vụ công tác giám sát; chưa có hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu. Một bộ phận cán bộ, chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm; việc tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về việc các hồ thủy điện xả lũ vẫn còn khoảng trống chưa giám sát được dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra…
Những vấn đề nêu trên cần phải sớm được khắc phục. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt công tác vận hành hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ cũng như công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị