Nguy cơ gia tăng nhiều bệnh khi trời chuyến rét

Nguy cơ gia tăng nhiều bệnh khi trời chuyến rét

Sơn Hà –  Thứ sáu, 09/12/2022 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày này, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến Hà Nội và các tỉnh vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ. Thời tiết trở lạnh là nguyên nhân hàng đầu của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng.

Trẻ em dễ mắc bệnh đường hô hấp

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, trung gian truyền bệnh phát triển, gây bệnh và lây lan thành dịch. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em dễ mắc phải nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là những bệnh đường hô hấp như viêm họng, cảm lạnh, viêm mũi, ho khan…

Đặc biệt là trẻ em khá nhạy cảm với thời tiết vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên cha mẹ cần chú ý khi giữ ấm cho trẻ và giữ môi trường sống sạch sẽ. Đặc biệt, trong thời điểm sốt xuất huyết đang bùng phát, khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi BV sớm để được tư vấn, điều trị, tránh diễn biến xấu.

Thời tiết lạnh ảnh hưởng nhiều đến hệ hô hấp, niêm mạc chính. Do đó, trẻ dễ nhiễm virus, vi khuẩn, đặc biệt là viêm họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Nhưng đáng chú ý nhất, vẫn là bệnh cúm mùa ở trẻ mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa ở miền Bắc. 

Để phòng, chống bệnh khi giao mùa hay thời tiết chuyển lạnh, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ. Khi ngủ dậy, cần khởi động dần dần để cơ thể làm quen với môi trường, duy trì chế độ vệ sinh họng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà. Môi trường sạch giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi mắc bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vaccine phòng ngừa.

Người cao tuổi dễ bị đột quỵ do trời lạnh

 các bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi thời tiết giao mùa, như: Cảm lạnh, cúm, bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ, bệnh về xương khớp…  Chính vì vậy, với người cao tuổi, việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, thời tiết chuyển lạnh thường là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp dẫn đến tai biến, đột quỵ. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ và trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị. Trong đó, phần lớn là bệnh nhân trên 45 tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, người cao tuổi cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như: Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp áo mỏng, thay vì chỉ mặc một lớp áo dày, đồng thời, mang thêm khăn choàng cổ, mũ trùm đầu, tất, bao tay. Ngâm chân với nước nóng để kích thích tuần hoàn máu, tập thể dục thường xuyên và ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng.

Tuy nhiên, khi thời tiết lạnh sâu, nhiều người thường có tâm lý ngại tắm vì sợ nhiễm lạnh. Đây là một sai lầm trong mùa đông, cơ thể không được vệ sinh sạch có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khoẻ. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền nếu kiêng tắm có thể gặp phải những hậu quả khó lường.

Trong mùa Đông, tốt nhất vẫn nên tắm 1 lần/ngày. Thời điểm tắm gội hợp lý nhất là buổi trưa hoặc cuối giờ chiều, khi vẫn có ánh nắng mặt trời, tắm ở nơi kín gió, trong phòng kín, tắm nước ấm. Trước khi ra khỏi phòng tắm, cần lau khô người, mặc quần áo giữ ấm cơ thể. Để tránh nhiễm lạnh cần làm khô tóc nếu gội đầu, kể cả nam giới cũng cần sấy khô tóc. Rất nhiều người chủ quan cho rằng nam giới tóc ngắn không cần sấy, nhưng tóc để ướt rất nguy hiểm, dễ bị nhiễm lạnh gây cảm lạnh, đau đầu.

tm-img-alt

Ngoài ra thời tiết mùa đông lạnh giá cũng gây nên một số bệnh sau:

Cảm lạnh: Bạn có thể phòng chống cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Cách này sẽ giúp tiêu diệt vi trùng ở tay sau khi bạn tiếp xúc với bề mặt của một số vật dụng như công tắc điện và tay nắm cửa. Ngoài ra, việc dọn dẹp nhà cửa và rửa sạch những loại vật dụng gia đình như cốc chén, bát đũa rất quan trọng, nhất là khi trong gia đình có ai đó bị ốm. 

Hen suyễn: Không khí lạnh là một yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Những người bị hen nên đặc biệt cẩn thận vào mùa đông. Hãy ở trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy đeo khăn hoặc khẩu trang che kín mũi và miệng.

Viêm phổi: Viêm phổi thường là biến chứng của viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, xoang… Mùa đông các bệnh cảm lạnh cũng gia tăng làm cho virus, vi khuẩn nhân cơ hội xâm nhập mũi họng và xuống phổi gây viêm phổi.

Đau khớp: Nhiều bệnh nhân viêm khớp cho biết, các khớp của họ trở nên đau nhức hơn vào mùa đông. Trong trường hợp này, việc tập thể dục thường xuyên mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe của bạn.

Hạ thân nhiệt: Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu. Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Cách tốt nhất để giúp những người bị hạ thân nhiệt là quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại.

Tê cóng: Vùng trên cơ thể dễ bị tê cóng, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh là mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân. Khi bị tê cóng, không nên chà xát vào vùng bị tê bởi như thế sẽ làm tăng mức độ tổn hại. Ngoài ra, không để vùng bị tê tiếp xúc trực tiếp với nhiệt như nước nóng bởi nước nóng có thể đốt cháy vùng da và các mô đã bị tổn hại.

Cúm: Cúm là căn bệnh nhiều người gặp phải, nhất là những người ở độ tuổi từ 65 trở lên và người bị tiểu đường, thận. Cách tốt nhất để ngăn ngừa cảm cúm là sử dụng vacxin phòng cúm (hoặc thuốc xịt mũi cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi)./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích