Diễn đàn “Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022”
Diễn đàn “Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022”
Theo dõi MTĐT trên
Chiều 7/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức Diễn đàn “Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022”.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển ở ngành, lĩnh vực và địa phương. Qua đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, phong trào đổi mới sáng tạo đã được lan tỏa trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố, hoạt động khoa học và công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục hoàn thiện dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, theo chỉ số GII (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu) năm 2022 của tổ chức WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới), Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, so với tiềm năng phát triển của Việt Nam, những kết quả trên là chưa đủ. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn tồn tại nhiều rào cản, chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới. Nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng, việc ứng dụng, phát triển, đổi mới công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ còn yếu; việc liên kết giữa các chủ thể tham gia vào đổi mới sáng tạo còn lỏng lẻo…
Diễn đàn tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nội hàm, sự khác biệt về đổi mới sáng tạo của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; thực trạng đổi mới sáng tạo phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về chính sách, khả năng nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; mô hình liên kết đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; khuyến nghị về chính sách và giải pháp về đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ và làm chủ công nghệ trong viện, trường, doanh nghiệp…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị