Đề xuất quy hoạch sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế

Đề xuất quy hoạch sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế

Tuệ Lâm –  Thứ năm, 08/12/2022 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy hoạch sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2030.

Trong văn bản đầu tháng 12 gửi Bộ Giao thông Vận tải về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, dùng chung dân dụng và quân sự.

Một trong những điểm nổi bật nhất tại tờ trình này là việc cơ quan Quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không kiến nghị điều chỉnh nhiều nội dung quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương để đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng.

tm-img-alt

Đề xuất quy hoạch sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế.

Cụ thể, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm; tổng số vị trí đỗ tàu bay là tối thiểu 21 vị trí.

Loại tàu bay khai thác của Cảng hàng không Liên Khương trong giai đoạn đến năm 2030 là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I; công suất tối thiểu 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.

Về hệ thống đường cất hạ cánh, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu kích thước 3.250m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây thêm 350m, kích thước đường cất hạ cánh lên thành 3600m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ xây dựng nhà ga hành khách T2 công suất 3 triệu hành khách/năm ở phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 5 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng khi có nhu cầu. Xây dựng nhà ga hàng không chung khi có nhu cầu ở phía Tây nhà ga T1 hiện hữu, gần khu vực đài chỉ huy.

Đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 lên công suất 5 triệu hành khách/năm. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 7 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng nhà ga T2 lên công suất 10 triệu hành khách/năm; nghiên cứu mở rộng hoặc xây dựng lại nhà ga T1 trên khu đất hiện hữu đạt công suất 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu. Tổng công suất 2 nhà ga có thể đạt 15 triệu hành khách/năm.

Cũng trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ ây dựng nhà ga hàng hóa trên khu đất khoảng 23.300m2, đáp ứng công suất tối thiểu 20.000 tấn hàng hóa/năm. Có dự trữ đất để phát triển.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021- 2030 là 340,84ha và sẽ tăng lên 486,84 ha giai đoạn đến năm 2050.

Để thực hiện quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về quy mô, phương án quy hoạch và đề nghị địa phương quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông kết nối đến sân bay.

Sân bay Liên Khương nằm cách Đà Lạt, điểm du lịch nổi tiếng của vùng Tây Nguyên 28 km, công suất thiết kế 2 triệu hành khách. Năm 2019, nơi này đón 2 triệu hành khách. Đầu tháng 12, hãng Vietjet Air đã mở đường bay quốc tế Đà Lạt – Bangkok, khai thác 4 chuyến mỗi tuần.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích