Hà Đông (Hà Nội): Dự án bệnh viện quốc tế chưa hẹn ngày khởi công
(Xây dựng) – Sau khi được điều chỉnh “quá nửa” diện tích xây dựng trung tâm thương mại, phần diện tích còn lại để xây dựng Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa có dấu hiệu khởi công xây dựng.
Hơn một nửa diện tích đất Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông đã được xây dựng trung tâm thương mại. |
Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây (khi chưa sáp nhập vào Hà Nội) phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) vào tháng 4/2008. Dự án ban đầu dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 16,6ha, hiện thuộc địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sau khi được cấp phép xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khá thuận lợi vì phần lớn diện tích đất thuộc dự án khi đó là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, dự án lại không có dấu hiệu xây dựng. Khoảng đầu tháng 3/2017, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Aeon đầu tư phát triển dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông trong một phần khu đất của Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông.
Bên trong dự án cỏ cây mọc um tùm, không có dấu hiệu thi công xây dựng. |
Tháng 5/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3241/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Bệnh viện Quốc tế Hà Đông và Trung tâm thương mại, tỷ lệ 1/500 (Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bệnh viện quốc tế Hà Đông). Sau đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 3251/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Bệnh viện quốc tế Hà Đông và Trung tâm thương mại nói trên. Quyết định này đã “khai sinh” ra Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông với diện tích 9,5ha và xác lập việc thu hẹp quy mô cũng như diện tích dự kiến Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long xuống còn 7,1ha. Như vậy, sau lần điều chỉnh tổng thể, Bệnh viện quốc tế Hà Đông với tổng diện tích dự kiến 16,6ha, quy mô tối đa 860 giường bệnh nay giảm xuống còn khoảng 600 giường bệnh và diện tích còn lại vỏn vẹn khoảng 7,1ha để nhường quá nửa diện tích đất cho Trung tâm thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản.
Rác thải bủa vây bên ngoài dự án. |
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dù ngăn cách giữa Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông và khu quy hoạch Bệnh viện quốc tế Hà Đông chỉ là một tuyến đường giao thông nhỏ. Nhưng, cảnh quan lại trái ngược nhau, khi một bên là Trung tâm thương mại được xây dựng hoành tráng, sầm uất; bên còn lại thì lại được quây tôn kín mít, cỏ mọc um tùm, một phần nhỏ được người dân tận dụng trồng rau, gây lãng phí tài nguyên đất nhiều năm qua. Bên cạnh đó, xung quanh đất dự án rác thải bủa vây, tạo nên một khung cảnh hoang tàn, ô nhiễm, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Cùng nằm trên một con đường nhỏ, nhưng số phận 2 dự án lại trái ngược nhau. |
Được biết, trong Văn bản số 57/BC-HĐND, ngày 17/7/2018, báo cáo kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội, HĐND Thành phố Hà Nội cho biết: Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long thuộc nhóm các dự án đã được đoàn giám sát kiến nghị từ năm 2012 nhưng chưa khắc phục, xử lý dứt điểm.
Có thể thấy, hiện nay khu quy hoạch Bệnh viện quốc tế Hà Đông và Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông được xem là khu vực đất “vàng” với hạ tầng giao thông khá hoàn thiện, xung quanh có nhiều dự án lớn. Việc một dự án không có dấu hiệu triển khai sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, lãng phí nguồn tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng và xáo trộn đến cuộc sống của người dân. Đề nghị chính quyền Thành phố Hà Nội, các cơ quan hữu quan cần kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dự án chưa triển khai xây dựng và có phương án giải quyết tình trạng “đắp chiếu” dự án. Bên cạnh đó, nếu xác định chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long không đủ năng lực thực hiện, cần có biện pháp thu hồi và giao dự án cho chủ đầu tư khác để góp phần phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên đất.
Nguồn: Báo xây dựng