Cân nhắc sự cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho bến xe hàng
Ý kiến được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi trả lời Công văn 9175/BGTVT-KHCN ngày 7/9/2022 của Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về bến xe hàng.
Dự thảo dự kiến ban hành các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn, điều kiện với bến xe hàng trước khi đi vào hoạt động. Theo Thuyết minh Dự thảo, việc xây dựng quy chuẩn sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hoá. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến một số doanh nghiệp, VCCI cho rằng, cần cân nhắc lại sự cần thiết của việc ban hành quy chuẩn.
Thứ nhất, VCCI đề Ban soạn thảo làm rõ hơn việc ban hành quy chuẩn có nhằm bảo đảm các nội dung của Điều 3.2 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006. Theo Điều này, quy định mục đích ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ hai, VCCI lo ngại nguy cơ trùng lặp với các quy định hiện hành. Theo Dự thảo, phần lớn nội dung đang được xây dựng theo hướng dẫn chiếu các quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, chiếu sáng, thoát nước, an toàn thực phẩm… “Các bến xe hàng vốn dĩ đã phải đáp ứng các quy định này mà không cần ban hành thêm Quy chuẩn kỹ thuật”, VCCI nhận định.
Ảnh minh hoạ
Vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, VCCI đề nghị làm rõ hơn nhu cầu từ thực tiễn, đó là bến xe hàng có đặc điểm khác với bến xe khách. Các bến xe khách phục vụ chủ yếu là người dân, với số lượng lớn và là phương thức vận tải công cộng nên cần các biện pháp kiểm soát tránh ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Trong khi đó, các bến xe hàng chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp, thương nhân, bản chất đây là quan hệ kinh tế.
“Tự bản thân bến xe hàng sẽ cần nâng cao chất lượng vận hành để thu hút khách hàng và pháp luật đã có cơ chế xử lý tranh chấp phù hợp nếu các bên cần. Khi đó, việc ban hành các yêu cầu bắt buộc về cơ sở vật chất của bến xe hàng sẽ có nguy cơ tốn kém chi phí cho cả bến xe hàng và thương nhân hoạt động tại bến”, VCCI nhấn mạnh.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng có văn bản do Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền gửi VCCI, để góp ý cho Dự thảo. Trong văn bản góp ý, Hiệp hội cũng đề nghị xem xét sự cần thiết ban hành quy chuẩn bến xe ô tô hàng.
“Nghiên cứu về nội dung dự thảo của quy chuẩn nhận thấy phần lớn nội dung được quy định là dẫn chiếu các quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy; bảo vệ mội trường, chiếu sáng… của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…; Các quy định về diện tích tối thiểu và các công năng, hạng mục công trình còn nhiều nội dung để ở dạng “khuyến khích áp dụng” hoặc mang tính “tùy nghi”. Nhưng quy định như vậy không phù hợp với nội dung được chế định trong Quy chuẩn”, Văn bản của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam viết.
Cùng với đó, Hiệp hội cho rằng, đối với vận tải hàng hóa, hiện nay hầu hết là bãi đỗ xe và thường gắn với các bến cảng, nhà ga, cửa khẩu, khu công nghiệp… Mặt khác, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Bộ Công thương cũng ban hành nhiều văn bản triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc hình thành các trung tâm logistics đang là xu thế trên phạm vi cả nước. Hiệp hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm về thực trạng, chức năng, xu thế phát triển của bến xe ô tô hàng và các trung tâm logistics để tích hợp chức năng của bến xe ô tô hàng với các trung tâm logistics để tạo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bảo Lâm