Thừa nhận giấy chứng nhận, kết quả đánh giá sự phù hợp cho xe cơ giới theo điều ước quốc tế

Để thực hiện Hiệp định EVFTA, ngày 25/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 987/QĐ-BGTVT phê duyệt đề án thực hiện “Phụ lục 2-B: Xe cơ giới và phụ tùng thiết bị xe cơ giới”, giao Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đồng bộ với các cam kết của Việt Nam.

Hiện nay, các Thông tư của Bộ đã quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và phụ tùng, thiết bị xe cơ giới. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc chấp nhận, thừa nhận giấy chứng nhận, báo cáo thử nghiệm, kết quả đánh giá sự phù hợp cấp cho xe cơ giới và phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới theo các Điều ước quốc tế nêu trên. 

Bộ Giao thông vận tải đề nghị xây dựng Nghị định hướng dẫn về việc thông qua, chấp nhận quy định UNR; thừa nhận giấy chứng nhận cho xe cơ giới  

Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phải thực hiện Phụ lục 2-B của Hiệp định EVFTA, UKVFTA và tham gia Hiệp định UNECE 1958 trước tháng 8/2023 cũng như triển khai thực hiện Thỏa thuận APMRA. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý thực hiện các điều ước quốc tế này, Bộ đề nghị xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện thủ tục thông qua, chấp nhận các quy định UNR; thừa nhận giấy chứng nhận, báo cáo thử nghiệm, kết quả đánh giá sự phù hợp cấp cho xe cơ giới và phụ tùng, thiết bị xe cơ giới theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Liên quan đến lĩnh vực xe cơ giới, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, Việt Nam đã chính thức là thành viên hoặc chuẩn bị tham gia các Điều ước quốc tế sau đây:

1. Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, trong đó Phụ lục 2-B: Xe cơ giới và phụ tùng thiết bị xe cơ giới của Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023;

2. Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc-Ai len (Hiệp định UKVFTA) có hiệu lực từ tháng 5/2021, trong đó Phụ lục 2-B: Xe cơ giới và phụ tùng thiết bị xe cơ giới của Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023;

3- Hiệp định về việc chấp nhận các quy định kỹ thuật thống nhất của Liên Hợp Quốc đối với phương tiện giao thông đường bộ, thiết bị, phụ tùng được trang bị, sử dụng trên phương tiện và các điều kiện để thừa nhận lẫn nhau về phê duyệt kiểu loại được cấp trên cơ sở của các quy định này (Hiệp định UNECE 1958). Theo Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/6/2020 của Quốc hội thì Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định này trước tháng 8/2023;

4- Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại xe cơ giới (Thỏa thuận APMRA) có hiệu lực từ 15/01/2022. Tuy nhiên, hiện nay các nước ASEAN vẫn chưa thống nhất được tài liệu hướng dẫn của Thỏa thuận này;

5- Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Nghị định thư với Nga) có hiệu lực từ năm 2017 và các bản sửa đổi;

6- Nghị định thư giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Nghị định thư với Belarus) có hiệu lực từ năm 2017 và các bản sửa đổi.

Các Điều ước quốc tế nói trên đều có yêu cầu liên quan đến việc tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, trong đó có các quy định về việc thừa nhận giấy chứng nhận, báo cáo thử nghiệm, kết quả đánh giá sự phù hợp cấp cho xe cơ giới và linh kiện, phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích