Đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC, hiện nay kinh tế số trên thế giới có tiềm năng lớn nhưng mới chỉ ở mức tiềm năng. Ông dẫn ra số liệu phân tích 12 nền kinh tế được chọn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, các quốc gia này mới chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền kinh tế số vào năm 2021.

Cụ thể, quy mô kinh tế số là 586 tỷ USD vào năm 2021 (30% tổng tiềm năng) nhưng vẫn còn 1,4 nghìn tỷ USD lợi ích tiềm năng chưa được khai thác. Tại Việt Nam, kinh tế số đóng góp 10% GDP, dự đoán đến 2030, quy mô kinh tế số đạt 3 nghìn tỷ USD.

“Tất cả chính phủ và doanh nghiệp xác định chiến lược kinh tế số. Trong đó, điện toán đám mây là hạ tầng quan trọng. Việt Nam không đứng ngoài xu hướng đó”, ông khẳng định.

Phân tích cơ hội cho Việt Nam, theo ông Chính, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái công nghệ, là quốc gia trẻ, có năng lực công nghệ, nền giáo dục công nghệ tốt. Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo đó, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đối số quốc gia. Đầu năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh định hướng phát triển đất nước dựa trên chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ số. Năm 2022 là Chiến lược kinh tế số và xã hội số.

Ảnh minh hoạ

Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm hạ tầng số của khu vực, nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ hoạt động xung quanh cơ sở hạ tầng số. Tuy nhiên, chỉ số sẵn sàng của Việt Nam đang ở mức tiềm năng.

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Chính cho rằng, thứ nhất, cần coi hạ tầng số – hạ tầng Cloud là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số (hạ tầng giao thông…). Thứ hai, cần có chính sách ưu tiên ưu đãi cao nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này (đất đai, thuế, vốn, thủ tục nhanh..). Thứ ba, các chính sách cần khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước (đặt hàng sử dụng). Thứ tư, cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực số, khuyến khích các cơ sở đào tạo đẩy mạnh đào tạo số, xây dựng đại học số giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Cần xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào hạ tầng kinh tế số và xây dựng nền tảng ứng dụng số, cung cấp dịch vụ số đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu”, đại diện CMC khẳng định.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích