Xây dựng giao thông cho người khuyết tật: Cần quy định trách nhiệm
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, Tạp chí Hòa Nhập giới thiệu bài tham luận (phần 2) của Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội Đại biểu lần thứ IV (nhiệm kỳ 2022 – 2027) Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam.
Tướng Lê Mã Lương đánh giá: Nhìn chung, Luật Người khuyết tật được ban hành từ năm 2010 đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống của NKT. Quyền lợi của NKT được đảm bảo hơn, vì Luật NKT ra đời đã chính thức ghi nhận các dạng tật, mức độ khuyết tật; trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật cho NKT của Hội đồng cấp xã; ban hành tiêu chuẩn xây dựng cho các tòa nhà, trụ sở, công trình, trường học có đường tiếp cận cho người khuyết tật; trách nhiệm cải tạo công trình công cộng, phương tiện giao thông đảm bảo tiếp cận cho NKT…
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Luật đã quy định và bảo đảm các quyền cơ bản của NKT phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đặt biệt là Công ước quốc tế về quyền của NKT. Pháp luật và chính sách liên quan đến NKT đã thay đổi từ cách tiếp cận “từ thiện” sang tiếp cận dựa trên quyền. Nhờ sự thay đổi này, NKT có thể được đảm bảo thực hiện được quyền của mình và tham gia vào mọi mặt đời sống xã hội.
Trước đây, để cụ thể hóa các quy định của Luật NKT, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021 – 2020 đã được ban hành với các chỉ tiêu theo từng giai đoạn, nhằm quy định rõ trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo thực hiện quyền của NKT. UBND các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành Đề án trợ giúp NKT của địa phương mình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, quy định trách nhiệm phải lồng ghép các hoạt động trợ giúp NKT gắn với các chương trình, dự án của tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, NKT trên cả nước đều được thụ hưởng các quyền và lợi ích mà Luật NKT mang lại.
Tuy nhiên theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, NKT vẫn phải đối mặt với các thách thức và rào cản trong tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và việc làm, giao thông, công trình công cộng và công lý… Năng lực của NKT vẫn chưa được cải thiện để đảm bảo sự tham gia toàn diện và hiệu quả trong quy trình ra quyết định và quá trình giám sát.
Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, Luật Người khuyết tật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ông đưa ra một số kiến nghị:
Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật (tổng số, tình trạng sức khỏe, dạng tật; số người trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động; số người có nhu cầu về nghề và học nghề của người khuyết tật; số người có nhu cầu làm việc và những công việc phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người khuyết tật, v.v..) ở từng địa phương và trong cả nước.
Cần bổ sung người khuyết tật là đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất như đối với hộ nghèo.
Nghiên cứu, sửa đổi các tiêu chuẩn trong xây dựng và giao thông công cộng tiếp cận cho người khuyết tật. Cần quy định rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ không chỉ ở khu vực nhà nước mà cả trong khu vực tư nhân đối với lĩnh vực giao thông và xây dựng. Các khái niệm về “điều chỉnh hợp lí” và “thiết kế phổ dụng” cần được bổ sung như là các tiêu chuẩn đối với hoạt động cải tạo và xây dựng.
Nâng cao năng lực nhận thức của cả chính quyền Trung ương và địa phương trong quá trình phân bổ ngân sách cho NKT để đầu tư vào giáo dục và phục hồi chức năng.
Để đảm bảo được quyền việc làm của NKT được thông suốt đúng với Luật lao động VN thì NKT cần được đảm bảo các quyền lợi chăm sóc y tế và phục hồi chức năng lao động khi doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm cho họ không bị gặp khó khăn cản trở vì thiếu những tiêu chí đáp ứng chăm sóc y tế và phục hồi chức năng lao động tại nơi làm việc cho NKT.
Các công trình xây dựng cần thiết kế lối đi dành cho người khuyết tật.
Có chính sách hỗ trợ để tất cả NKT phải được đảm bảo quyền tiếp cập các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí. Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Người khuyết tật nên đưa ra những hỗ trợ phù hợp về thủ tục và về độ tuổi của NKT nhằm tạo điều kiện cho họ tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý.
Tăng cường giám sát thực thi luật pháp và chính sách và tăng cường sự tham gia của NKT trong ban hành các quyết định và hoạt động giám sát. Vai trò giám sát của NKT phải được xác định trong Luật Người khuyết tật, thông qua quy định rõ ràng về việc thành lập và hoạt động của các Tổ chức NKT.
Nhà nước cần có chính sách và đầu tư nguồn lực để từng bước thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận, phục hồi chức năng và giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt trong quá trình hoạch định chính sách.
Quy định doanh nghiệp phải tuyển dụng một tỷ lệ nhất định lao động là NKT. Hiện Luật NKT chỉ khuyến khích doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, quy định này thực tế đã làm hạn chế nhiều cơ hội việc làm của NKT. Nếu không thực hiện và thực hiện không đầy đủ thì doanh nghiệp phải đóng góp vào quỹ giải quyết việc làm cho NKT tương ứng với tỷ lệ còn thiếu. Đồng thời cần có chính sách dành một số công việc trong xã hội dành cho NKT làm việc (công việc đơn giản mà số đông NKT có thể làm việc được, phù hợp với khuyết tật của họ).
Hiện Luật NKT mới chỉ có quy định Cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT được vay vốn ưu đãi và một số chính sách khác. Cần bổ sung đối tượng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh là NKT, hộ gia đình kinh doanh có NKT cũng được hưởng các chính sách này.
Đảm bảo tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề đầy đủ cho NKT. Nghĩa vụ của các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo giáo dục hòa nhập cần được làm rõ trong Luật.
Luật NKT khi sửa đổi cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp khi ban hành các chính sách và các quyết định liên quan đến NKT. Trách nhiệm điều phối và giám sát cần được tách biệt và đảm bảo tính minh bạch, độc lập của các tổ chức giám sát.
Tăng cường sự tham gia của NKT trong quá trình ban hành các quyết định và hoạt động giám sát. Cần thiết lập các chế tài để đảm bảo sự tham gia hiệu quả của NKT vào quy trình ban hành các quyết định, đảm bảo rằng các nhu cầu đa dạng của NKT được bao gồm trong quy định của pháp luật. Cần nêu cao vai trò tham gia của NKT trong việc ban hành các chính sách về NKT. Quá trình xây dựng công ước quốc tế đã chứng minh, không có luật gì tốt hơn cho người hưởng lợi khi bản thân thành phần ra các quyết định chính sách có liên quan đến chính bản thân NKT thì nên để cho chính họ là thành viên trong Ban soạn thảo, được đề xuất, tham gia xây dựng luật ngay từ đầu.
Nguồn: hoanhap.vn