Nền móng công nghiệp xe hơi Việt
Những năm 2000, Bộ Công nghiệp từng chắp bút cho Chính phủ đề án phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam với kỳ vọng đến năm 2020 sẽ cơ bản đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50% để tiến tới hình thành nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kế hoạch này không thành. Dẫu thời gian qua nước ta có rất nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô dưới hình thức liên doanh, liên kết hoặc hãng của nước ngoài đặt tại Việt Nam để thực hiện chu trình lắp ráp mà chưa có doanh nghiệp nào “sản xuất” ô tô, xe máy mang thương hiệu Việt Nam, đến tận tháng 6/2019, thương hiệu xe VinFatst chạy bằng nhiên liệu xăng chính thức ra mắt khách hàng.
Những mẫu xe ôtô điện Vinfast xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Song vì lý do môi trường, cụ thể là việc Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0% vào khoảng năm 2050 tại Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) tháng 10/2021, nên Tập đoàn Vingroup đã ngừng sản xuất xe VinFast chạy bằng xăng sau thời gian cho ra đời những sản phẩm đầu tay khá ngắn để chuyển sang sản xuất xe chạy bằng điện. Dẫu còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc VinFast chuyển hướng sản xuất xe điện, nhưng ở góc độ quốc gia, đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt “tiên phong” đi tắt, đón đầu sản xuất xe điện mang thương hiệu Việt Nam.
Điều cần nói thêm, trong thế giới toàn cầu hóa, không phải nhà sản xuất nào cũng tự sản xuất 100% các phụ trợ cấu thành sản phẩm mà đa số đều đặt hàng từ các hãng khác nhau để tạo ra sản phẩm đó. Đây là xu thế tất yếu. Cái khác, những sản phẩm được đặt hàng đều được đăng ký độc quyền và đảm bảo đúng yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ, mẫu mã, thiết kế do chính hãng đề ra. Với VinFast một doanh nghiệp đi sau, dẫu cũng đang phải nhập động cơ và một số bộ phận quan trọng cấu thành ô tô theo đơn đặt hàng nhưng cũng đã tiến hành nội địa hóa nhiều chi tiết trong ô tô. Kinh nghiệm của tất cả các quốc gia công nghiệp đi sau cho thấy, muốn phát triển để tiến tới chuyển giao công nghệ, tự sản xuất chúng ta phải đi từ liên doanh, liên kết hoặc đặt hàng trước, sau khi lực đủ mạnh, thời gian đủ chín sẽ tiến tới tự phát triển “chi tiết” khó nhất của ô tô…
Vấn đề bao lâu chúng ta sẽ làm được điều này? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách, sự lớn mạnh của doanh nghiệp và óc sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam. Bất luận hoàn cảnh nào chúng ta tin rằng, với một đất nước có bề dày truyền thống lịch sử, nơi đã sản sinh ra những nhân tài như Cao Lỗ (nỏ thần công), Hồ Nguyên Trừng (thời nhà Hồ sản xuất ra súng thần công) thì không có lý do gì chúng ta không tiến tới sản xuất được những chi tiết khó nhất của ô tô.
Đấy là vấn đề của tương lai, còn hiện tại, việc một doanh nghiệp Việt sản xuất xe ô tô điện mang thương hiệu Việt đón đầu dòng chảy của xu thế thân thiện môi trường, lại xuất khẩu lô hàng ô tô điện đầu tiên sang Hoa Kỳ – một trong những thị trường khó tính nhất thế giới càng khẳng định niềm tin, những gì thế giới làm được, người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được.
Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi lễ xuất khẩu xe ô tô điện VinFast: “Đây là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt, dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc ô tô điện sản xuất tại Việt Nam mang thương hiệu Việt chính thức góp mặt vào thị trường ô tô toàn cầu…Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ hội phát triển cho mọi quốc gia, nếu nước nào nắm bắt và tận dụng được cơ hội thì nước đó sẽ vượt lên. Không có quốc gia đi sau mà chỉ có quốc gia không nắm bắt được cơ hội, xu thế của thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển….”.
Việc tập đoàn Vingroup “bước chân” vào thế giới công nghệ, nắm bắt xu thế của thời đại để phát triển nền công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường cụ thể là xe ô tô điện, xe máy điện sẽ góp phần tạo tiền đề để xây dựng nền công nghiệp ô tô hoàn chỉnh mang thương hiệu Việt Nam cũng như một số ngành công nghiệp quan trọng khác.
Nguồn: Báo lao động thủ đô