Bà Rịa -Vũng Tàu: Tỷ lệ vùng nông thôn dùng nước sạch đạt 84,9%
Bà Rịa -Vũng Tàu: Tỷ lệ vùng nông thôn dùng nước sạch đạt 84,9%
Theo dõi MTĐT trên
Thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đảm bảo người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí hợp lý.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn -Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên toàn tỉnh sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT của Bộ Y tế cũng được nâng cao với 102.983 hộ dân vùng nông thôn được tiếp cận nước sạch, đạt 84,9% tăng 0,9% so tháng 12/2021. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn 40 xã, phường, thị trấn do trung tâm quản lý, cấp nước đạt 81,73%.
Năm 2022, nhiều dự án cấp nước cũng được khởi công như: mở rộng tuyến ống cấp nước cho khu vực các xã: Xuân Sơn, Sơn Bình, Bàu Chinh, Bình Giã, Bình Trung, Quảng Thành (huyện Châu Đức) và khu vực xã Tân Lâm, Hòa Hội, Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc); mở rộng tuyến ống cấp nước cho khu vực thị xã Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ; đầu tư xây dựng các tuyến ống cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…
Việc đầu tư xây dựng các nhà máy nước mặt mới được UBND tỉnh phê duyệt trong Quy hoạch cấp nước vùng nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở quy hoạch cấp nước được phê duyệt, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 3 nhà máy nhà nước mặt (Đá Bàng, Sông Hỏa và Sông Ray); nâng cấp 2 nhà máy (Châu Pha, Hòa Hiệp) với công suất cấp nước toàn Trung tâm lên 54.300m3/ngày đêm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các hộ dân nông thôn, các KCN, khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quản lý.
Tại Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 có số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày đạt 99%; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Đến năm 2045, phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả, bền vững… Đồng thời nâng công suất, cải tạo các nhà máy cấp nước từ 53.400m3/ngày đêm lên 96.000m3/ngày đêm; từ 96.000m3/ngày đêm lên 146.000m3/ngày theo từng giai đoạn; đầu tư mở rộng mạng phân phối nhằm tăng tỉ lệ người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận nước sạch. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đầu tư hồ chứa nước Sông Ray 2, hồ chứa nước sông Cầu Đầu; đầu tư các tuyến ống chuyển tải nước sạch.
Cùng với việc khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sạch, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nước tại khu vực nông thôn.
Theo đó, đối với các địa phương có số lượng hộ dân chăn nuôi cao như thị xã Phú Mỹ và các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát hiện trạng và thực hiện quy hoạch phù hợp với thực tế, di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, tách các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, bảo đảm việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh.
Đối với địa phương có nhiều hộ gia công, sơ chế, chế biến hải sản (huyện Long Điền) thì tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Nước sạch không giống như thị trường hàng hóa thông thường khác là: dịch vụ nước sạch là hàng hóa công thiết yếu. Vì là ‘hàng hóa công’, trên nguyên tắc, nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu gồm: đảm bảo quyền tiếp cận (tức là đủ nước cho người dân dùng; tính liên tục (tức là không được để ‘mất nước’); giá cả phải ở mức chấp nhận được.
Vì phải xây dựng hệ thống đường ống đưa nước từ các nơi sản xuất đến người tiêu dùng, nên khâu ‘phân phối – tức đường ống’, để đảm bảo hiệu quả kinh tế theo quy mô, thường mang tính ‘độc quyền tự nhiên’.
Các đặc điểm này khiến thị trường nước sạch thông thường là thị trường do nhà nước kiểm soát. Nếu không có sự rành mạch trong cấu trúc thị trường thì sự tham gia của doanh nghiệp công và tư có thể bị rối loạn. Việt Nam hiện nay cho phép tư nhân tham gia vào cung cấp nước sạch, nhưng lại không hình thành được sự phân định rõ ràng và nhiều địa phương đang ‘rối’ trong thị trường nước sạch.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị