Cá nhân hóa năng lực chống chịu thiên tai cho mỗi đô thị
Cá nhân hóa năng lực chống chịu thiên tai cho mỗi đô thị
Theo dõi MTĐT trên
Thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng và rất khó lường. Bởi vậy, việc thiết kế quy hoạch đô thị theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu là việc cần làm ngay và không có một mô hình chung cho các đô thị.
Trong khoảng hơn thập kỷ trở lại đây, người dân tại các đô thị rất dễ nhận thấy những thay đổi về nhiệt độ, khí hậu, thời tiết cực đoan. Mưa lớn và ngập lụt đô thị xảy ra phổ biến ở nhiều đô thị tại Việt Nam, ngay cả những địa phương thuộc khu vực miền núi hay các đô thị ven biển.
Theo số liệu của Bộ Tài Nguyên và môi trường, mực nước biển trung bình tại các trạm quan trắc ở Việt Nam có xu hướng gia tăng với mức tăng khoảng 2,7 mm/năm và dự báo có thể tăng thêm 100cm vào cuối thế kỷ 21.
Trong giai đoạn 1961-2018, số ngày nắng nóng có mức tăng phổ biến từ 10-40 ngày và những năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong 2 thập kỷ gần đây.
Sự gia tăng thời tiết cực đoan cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều đô thị dễ bị tổn thương đe dọa đến sự phát triển bền vững và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân đô thị. Bởi vậy, cần làm gì để nâng cao năng lực chống chịu của các đô thị với rủi ro do biến đổi khí hậu ?
Trước hết, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu đô thị và phát thải khí nhà kính. Từ năm 2015, nhiều nước trên thế giới đã có những nghiên cứu về điều này nhằm làm rõ những vấn đề về khí hậu đô thị, vai trò của vùng xanh và công trình xây dựng đến khí hậu và vấn đề phát thải khí nhà kính ở đô thị. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn đang còn là khoảng trống.
Các Bộ, ban ngành quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch và môi trường được giao quản lý cần ngồi lại cùng nhau xây dựng và sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về thiết kế, quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngay trong các thiết kế, quy hoạch xây dựng đô thị hiện tại cần nghiêm túc thực hiện theo các quy định, tiêu chuẩn về ứng phó với biến đổi khí hậu được đề cập trong các văn bản hiện hành.
Các thiết kế, quy hoạch và xây dựng đô thị cần ưu tiên các giải pháp tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, phát triển nhiều không gian cây xanh, mặt nước, sử dụng năng lượng xanh và các vật liệu thân thiện với môi trường. Chính quyền các đô thị cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với những chủ đầu tư thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Từ kinh nghiệm của hơn 100 thành phố trên thế giới, Dự án Báo cáo đánh giá về khí hậu và đô thị lần thứ 2 (ARC3.2) đã đưa ra 4 mô hình đô thị giảm phát thải khí nhà kính và chống chịu với biến đổi khí hậu. Bao gồm: Mô hình “tăng cường hiệu quả của các thành phần đô thị” hướng đến tiết kiệm năng lượng, sử dụng phương tiện công cộng và tăng cường đi bộ của người dân.
Mô hình “dạng và phân lớp” là giải pháp thiết kế đô thị với định hướng phân bố các khu nhà tương tự kết hợp với phân bố vùng xanh.
Mô hình “sử dụng vật liệu chống chịu với nhiệt độ” với chủ đạo là sử dụng các vật liệu cách nhiệt cho mái nhà và mô hình “các lớp cây xanh” với mục tiêu là tăng cường diện tích cây xanh ở đô thị tại các tòa nhà, công viên, đường giao thông…
Tuy nhiên, sẽ không có một mô hình chung cho các đô thị, mà tùy vào điều kiện thực tế về vị trí địa lý, tình hình kinh tế xã hội và nguồn lực sẵn có, chính quyền các đô thị có thể lựa chọn các mô hình đô thị phù hợp để học tập và đưa ra chính sách quản lý, giám sát quá trình triển khai xây dựng đô thị.
Trong bối cảnh, Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Khung Sendai, Công ước quốc tế về đa dạng sinh học…Việt Nam cần xây dựng một lộ trình rõ ràng, cụ thể để có thể thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỉ 21 là điều cần thiết.
Ngoài ra, Việt Nam cần triển khai đồng thời các giải pháp về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để các đô thị chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, các-bon thấp và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị