Cổ phiếu bất động sản, chứng khoán bứt phá, VN-Index lấy lại mốc 1.000 điểm
Nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và thép bứt phá trong phiên giao dịch 28/11. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm tỷ USD nhờ cổ phiếu Vingroup hồi phục.
Sang phiên chiều 28/11, sự sôi động lan tỏa ra khắp thị trường. Các cổ phiếu bất động sản tiếp tục bứt phá, đặc biệt sau khi cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn hút một dòng tiền bắt đáy lớn và thoát chuỗi ngày sàn kéo dài.
VN-Index chốt phiên 28/11 tăng 34,23 điểm lên 1.005,69 điểm. HNX-Index tăng 3,71%. Upcom-Index tăng 2,3%. Thanh khoản tăng mạnh lên 17.000 tỷ đồng, trong đó có 15.630 tỷ đồng trên HOSE.
Novaland kết thúc phiên 28/11 ở mức giá tham chiếu sau khi giảm sàn phiên thứ 18 trong buổi sáng xuống 19.050 đồng/cp với tổng cộng hơn 104 triệu cổ phần được chuyển nhượng trong phiên.
Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt trong khi đó giảm sàn phiên thứ 17 liên tiếp với dư bán còn hơn 42,6 triệu đơn vị (chưa tính lệnh ATC). Đây cũng là phiên giảm thứ 29 của cổ phiếu này.
Nhóm cổ phiếu bất động sản hầu hết tăng trần như: Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), KDH, DIC Corp. (DIG), CII, KBC, TDC, NLG, NHA, DRH, DLG…
Nhóm chứng khoán cũng đồng loạt tăng trần như: Chứng khoán SSI, VND, VCI… Cổ phiếu ngành thép bứt phá và tăng trần: HPG, NKG, HSG.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không còn hút dòng tiền và đóng cửa ở mức giá tham chiếu sau chuỗi ngày là trụ đỡ cho VN-Index.
Trước khi, chốt phiên sáng 28/11, đa số các cổ phiếu bất động sản cũng đã tăng vọt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu chứng khoán chuyển sang tăng trần vào cuối giờ giao dịch.
Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên sáng 28/11 tăng 27,84 điểm (+2,87%) lên 999,3 điểm. HNX-Index tăng 3,1%. Upcom-Index tăng 1,85%. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt 7.341 tỷ đồng.
Bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index. VIC tăng 1.600 đồng lên 66.600 đồng/cp; VHM tăng 3.100 đồng lên 50.100 đồng/cp; VRE tăng 1.800 đồng lên 29.200 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán bứt phá khi thị trường sôi động trở lại. Chứng khoản Bản Việt (VCI) tăng trần. Chứng khoán VnDirect cũng tăng hết biên độ vào cuối giờ sáng. Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cũng hướng dần tới mức giá cao nhất theo biên độ +7%.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch sáng 28/11 diễn biến tích cực với số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo, gấp gần 10 lần so với số lượng cổ phiếu giảm giá.
Tới 9h30, chỉ số VN-Index tăng hơn 15 điểm lên gần 987 điểm. HNX-Index tăng gần 2,7%.
Tới 10h07, VN-Index tăng gần 20 điểm lên trên 991 điểm.
Thanh khoản vẫn ở mức khá thấp do cung cổ phiếu không nhiều.
Trong tuần trước, thị trường đã chứng kiến một đợt bán rũ mạnh giữa tuần và quay trở lại tăng điểm trong phiên cuối tuần. Nhiều mã đã tạo trend tăng thành công. Nhiều cổ phiếu tạo đáy sớm trong đó tập trung phần nhiều ở nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép.
Các mã bất động sản tăng mạnh thời gian gần đây gồm: bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (VIC, VHM, VRE), cổ phiếu DIG Corp (DIG), NHA, DRH, DPG, TDC…
Nhiều cổ phiếu quay đầu tăng giá mạnh. (Nguồn: FPTS) |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng dần khá ấn tượng như VietinBank (CTG), Sacombank (STB)…
Các cổ phiếu chứng khoán hồi phục mạnh từ đáy như: Chứng khoán SSI, Chứng khoán Bản Việt (VCI)…
Nhóm cổ phiếu thép ghi nhận sự trở lại của Thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ và Nam Kim (NKG).
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ, hóa chất, thủy sản yếu hơn thị trường và có thể tạo đáy sau.
Bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần và là trụ đỡ giúp VN-Index tăng điểm mạnh.
VIC tăng 1.900 đồng lên 66.900 đồng/cp; VHM tăng 1.600 đồng lên 48.550 đồng/cp; VRE tăng 800 đồng lên 28.200 đồng/cp.
Cổ phiếu VIC tăng gần 24% từ đáy 54.000 đồng ghi nhận hôm 9/11 lên mức 66.900 đồng/cp như hiện tại, qua đó giúp tài sản quy từ cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 1,1 tỷ USD lên mức hơn 6 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán trải qua một đợt giảm giá kéo dài từ đầu tháng 4. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Còn theo Forbes, tài sản của ông Vượng cũng tăng từ mức 3,8 tỷ USD lên 4,7 tỷ USD (tính tới hết 27/11).
Cổ phiếu HPG hồi phục qua đó giúp ông Trần Đình Long vững hơn trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn đã không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes từ giữa tháng 11 do cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh.
Trong phiên sáng 28/11, cổ phiếu NVL cùng với Bất động sản Phát Đạt (PDR) tiếp tục giảm sàn.
Novaland (NVL) giảm sàn phiên thứ 18 xuống 19.050 đồng/cp sau cú “giải cứu” bất thành với lượng tiền hàng nghìn tỷ đồng đổ vào mua cổ phiếu này trong phiên ngày 22/11.
Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 17 liên tiếp với dư bán gần cuối sáng 28/11 là hơn 98 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm thứ 29 của cổ phiếu này.
Trên thị trường chung, giới đầu tư đón nhiều tin tích cực.
Ngày 23/11, Quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4, trị giá khoảng 4.000 tỷ đồng. Fubon chủ yếu đầu tư vào VN30. Nhiều khả năng quỹ sẽ giải ngân vào cổ phiếu Việt trong tháng 12.
Về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan liên quan gần đây có nhiều cuộc họp tìm giải pháp cho thị trường này.
Một số tổ chức có uy tín cũng bắt đầu thực hiện trở lại các đợt phát hành riêng lẻ. Trong khi đó, Novagroup cũng đã tìm được đối tác chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu NVL để giải quyết được vấn đề thanh khoản và tái cấu trúc toàn diện.
Nguồn: Báo xây dựng