Hòa Phát sản xuất nhiều loại thép thay thế hàng nhập khẩu
Đây là sản phẩm trước đây phải nhập khẩu 100% từ các nước. Trong số đó, thép cuộn cán nóng chính là sản phẩm công nghiệp có ý nghĩa nhất, lần đầu tiên một doanh nghiệp thép của Việt Nam sản xuất được.
Tiên phong làm thép chất lượng cao, nâng tầm vị thế
Đầu những năm 2000, quy mô ngành thép Việt vẫn còn non trẻ, nhỏ bé, chưa có tên trên bản đồ thép thế giới. Ngành thép Việt Nam lúc ấy bao gồm các nhà máy công suất nhỏ, phân tán rải rác và thiếu liên kết. Tổng công suất phôi chỉ đạt khoảng 300.000 tấn, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn. Thời điểm đó, công suất của dự án thép lớn nhất là 500.000 tấn/năm. Sản lượng thép thô chưa đầy 1 triệu tấn thép thành phẩm.
Chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa cho hay, trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam phát triển rất mạnh. Năm 2021, Việt Nam sản xuất khoảng 23 triệu tấn thép thô, đứng vị trí số 1 khu vực Đông Nam Á và nằm trong Top 13 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là bước tiến quan trọng trên bản đồ ngành thép thế giới.
Theo ông Sưa, các doanh nghiệp đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ đều tương đương tầm cỡ thế giới hiện tại. Riêng Tập đoàn Hòa Phát đã tự chủ sản xuất được các dòng sản phẩm thép cuộn chất lượng cao, thép cuộn cán nóng. Điều này cho thấy tính ưu việt của công nghệ, hệ thống dây chuyền thiết bị của doanh nghiệp thép trong nước, cụ thể là thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi.
“Thép cuộn chất lượng cao là nguyên liệu chính cho các đơn vị gia công cơ khí, chế tạo ra sản phẩm dây thép rút, lõi que hàn, thép dự ứng lực trong nước, đồng thời tối ưu hóa giá trị gia tăng doanh nghiệp”, ông Sưa nhận định.
Ghi nhận của HPG News, từ năm 2014 đến nay, Hòa Phát tập trung phát triển các sản phẩm có nguyên liệu đầu vào từ thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng (HRC). Điều này giúp cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, chủ động nguyên liệu sản xuất ngay tại thị trường trong nước, đảm bảo chất lượng đầu vào, giảm chi phí lưu kho…
Nói về tính ưu việt của thép Hòa Phát, anh Đặng Việt Thanh, Trưởng phòng Công nghệ, Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, thép Hòa Phát được sản xuất từ quặng sắt, có nhiều ưu điểm, cho phép sản xuất các dòng thép chất lượng cao. Các mác thép của thép rút dây, thép lõi que hàn và thép dự ứng lực đều yêu cầu hàm lượng tạp chất thấp, khử sâu, dư lượng oxy trong thép thấp. Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất thép khép kín từ quặng sắt có thể đáp ứng tốt yêu cầu này.
“Công nghệ tinh luyện và khử khí của Hòa Phát tân tiến, tối ưu nên đảm bảo các yêu cầu cao của các mác thép này. Đây cũng là lý do tạo nên sự khác biệt của Hòa Phát có thể tự chủ các mặt hàng mới thay thế hàng nhập khẩu”, anh Thanh nhấn mạnh.
Cụ thể, về sản phẩm thép rút dây, mặt hàng này có các mác thép như SAE1006, SAE1008… đang được thị trường trong và ngoài nước đón nhận tích cực. Trước đó, từ tháng 10/2016, Hòa Phát bắt đầu đẩy mạnh chế tạo và cung cấp thép cuộn rút dây Φ6 SAE1008. Đây là nguyên đặc thù và chưa có nhà sản xuất nào ngoài thép Hòa Phát chế tạo được.
Đối với thép dự ứng lực bao gồm 3 dòng sản phẩm là thanh thép dự ứng lực (PC Bar), cáp thép dự ứng lực (PC Strand) và dây thép dự ứng lực (PC Wire). Trong đó, sản phẩm PC Bar đã được Tập đoàn triển khai sản xuất từ năm 2019, và PC Strand Hòa Phát cung cấp cho thị trường từ đầu năm 2021.
Sản phẩm thép dự ứng lực của Hòa Phát được sử dụng trong những công trình quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như tháp, cầu cạn, cầu vượt biển, nhà cao tầng, cáp treo… đồng thời giúp tối ưu hóa không gian cũng như chi phí vật liệu, rút ngắn thời gian thi công cho các công trình.
Trong khi đó, thép lõi que hàn là loại thép chuyên dụng, có hàm lượng các-bon dưới 0.09%, Mangan
Hiện tại, Thép Hòa Phát Dung Quất đã sản xuất thành công thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô mác thép SWRH82A, SWRH 72A. Sợi thép làm tanh lốp ô tô có đường kính rất nhỏ 0,2 – 0,78mm. Đặc biệt, ngay sau khi sản xuất thành công sản phẩm mới, Công ty đã nhận được đơn hàng trên 3000 tấn/tháng từ đối tác.
Anh Nguyễn Bảo Trung, Phó phòng Công nghệ, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất chia sẻ: “Nhu cầu sử dụng thép cuộn cho sản xuất tanh lốp ô tô rất lớn. Tuy nhiên thép cuộn nguyên liệu phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài với chi phí cao, phân khúc thị trường thép cuộn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước lại chưa có đơn vị nào sản xuất”.
“Trước bối cảnh đó, Thép Hòa Phát Dung Quất tiên phong sản xuất mác thép các bon cao thành công, kiểm soát tốt các thành phần hóa học, hợp kim trong mác thép này. Trong đó, việc xử lý gang lỏng trước lò thổi, lựa chọn nguyên liệu hợp kim phù hợp, phương pháp làm nguội chậm mẫu bằng khí trước khi làm nguội bằng nước, phương pháp tinh luyện với hệ xỉ thích hợp… đã giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu”, anh Trung nói thêm.
Ngoài ra, Hòa Phát đang tối ưu và cải thiện công nghệ để cung cấp dòng thép cuộn chất lượng cao phục vụ sản xuất đinh vít và nhiều loại thép cơ khí chế tạo khác.
Thép HRC – khó nhưng vẫn làm
Đánh giá về nhu cầu ngành thép những năm trước đây, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, cách đây hơn 20 năm, nhu cầu thép hợp kim, thép chuyên dụng của Việt Nam thấp, chỉ khoảng trên dưới 100.000 tấn/năm. Để xây dựng nhà máy, doanh nghiệp phải đầu tư lớn hàng trăm triệu USD nên sẽ không hiệu quả. Thép cuộn cán nóng HRC là một trong những mặt hàng thép trước đây Việt Nam chưa thể sản xuất. Theo ước tính, nhu cầu sản phẩm này sẽ tăng lên nhiều, mỗi năm tiêu thụ hàng triệu tấn.
Đến nay, Hòa Phát chính là doanh nghiệp thép đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có đủ tiềm lực sản xuất được HRC, góp phần giúp thị trường thép Việt bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Đây là niềm tự hào và sản phẩm minh chứng cho sự trưởng thành của Hòa Phát.
Theo đó, thép cuộn cán nóng được dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại ống thép, tôn lợp và các sản phẩm đặc thù khác như vỏ container…Sản phẩm có độ dày thông dụng từ 1,2 – 14mm kích thước từ 1,2 – 1,5m, với các mác thép SAE, SS400, SPHC, SPHT. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như ASTM Mỹ), JIS (Nhật Bản) và GB/T (Anh). Chính vì vậy, thép cuộn cán nóng của Tập đoàn hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu HRC từ nước ngoài.
Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, dây chuyền đúc cán tấm HRC của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu, đảm bảo chất lượng cao, tiêu hao năng lượng thấp và thân thiện với môi trường.
“Sản phẩm HRC yêu cầu khắt khe và chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới công đoạn nấu luyện và cuối cùng là công đoạn cán. Thép lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng sẽ được chuyển sang Nhà máy sản xuất HRC. Quy trình đúc-cán liên tục được diễn ra với đầu vào là thép lỏng và đầu ra là HRC”, ông Chung phân tích.
Từ khi cho ra cuộn HRC đầu tiên tháng 5/2020 đến nay, Hòa Phát đã sản xuất khoảng 5,6 triệu tấn. 10 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn đã sản xuất và cung cấp cho thị trường 2,3 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ, chủ yếu đáp ứng thị trường trong nước. Con số này tương đương 43,9% HRC được sản xuất tại Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Với HRC, Hòa Phát tự chủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, vỏ container, thép hình, thép công nghiệp, cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh cho các nhà máy cơ khí chế tạo khác tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu HRC của Việt Nam những năm gần đây vào khoảng 12 triệu tấn/năm. Cả Formosa và Hòa Phát có thể cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu tấn/năm, nghĩa là mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nội địa, chưa kể thị trường xuất khẩu.
Chính vì vậy, Hòa Phát đang đầu tư triển khai dự án Dung Quất 2 với quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn HRC/năm. Với diện tích 284 ha, Dung Quất 2 có tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng.
Dự kiến khi hoàn thành dự án vào năm 2025, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm, trong đó, riêng HRC là 8,6 triệu tấn/năm. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất HRC, Tập đoàn Hòa Phát sẽ góp phần giải quyết căn bản sự lệ thuộc vào nhu cầu thép cuộn cán nóng nhập khẩu, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm hạ nguồn HRC của Việt Nam.