Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trước niên vụ tại Công ty CP Mía đường Sơn La

Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trước niên vụ tại Công ty CP Mía đường Sơn La

MTĐT –  Thứ sáu, 25/11/2022 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời điểm giám sát, Đoàn công tác ghi nhận toàn bộ hiện trạng các công trình xử lý chất thải trước khi tiến hành niên vụ sản xuất 2022 – 2023

Ngày 24/11, Đoàn giám sát số 2 việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác có liên quan với các cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình bảo vệ môi trường trước khi bước vào niên vụ 2022-2023 tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La.

1(2).jpg

Niên vụ 2022-2023, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La dự kiến thời gian hoạt động sản xuất từ ngày 29/11/2022 đến hết tháng 4/2023. Công suất ép bình quân 4.600 -4.800 tấn mía/ngày. Trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được phê duyệt, Công ty đã tiến hành thi công lắp đặt, vận hành các công trình xử lý chất thải theo đúng nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Về các công trình xử lý nước thải, 2 hệ thống xử lý nước thải công suất 900m3/ngày đêm và 2.000m3/ngày đêm hoạt động ổn định, nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất sau khi được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, được dẫn sang bể chứa nước sau xử lý để tuần hoàn tái sử dụng hoàn toàn. Công ty có ghi chép, lưu trữ nhật ký vận hành với 2 hệ thống xử lý nước thải.

2.jpg

Đã lắp đặt hệ thống đồng hồ đo lưu lượng khai thác sử dụng nước. Hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục, có camera giám sát, thực hiện truyền dữ liệu quan trắc tự động, liên tục về Sở TN&MT. Lắp đặt 10 camera giám sát công trình thu gom xử lý nước thải, truyền hình ảnh về Sở TN&MT để phục vụ cho việc theo dõi, giám sát hoạt động xử lý chất thải trong suốt niên vụ.

Về chất thải rắn sản xuất, bã mía được sử dụng làm nguyên liệu đốt cho lò hơi; phần tro sau khi đốt và bã bùn từ các thiết bị lọc chứa nhiều chất dinh dưỡng thích hợp làm phân bón và cung cấp cho bà con nông dân để cải thiện đất trồng mía cho vụ tiếp theo. Chất thải nguy hại được thu gom, lưu giữ trong kho chứa có diện tích khoảng 30m2, đã dán nhãn vào các thùng chứa theo quy định. Niên vụ 2021-2022, đã thực hiện quan trắc môi trường định kỳ đối với Nhà máy mía đường 2 đợt/vụ và Xí nghiệp sản xuất phân bón 4 đợt/vụ, các thông số đều trong giới hạn cho phép.

Đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bố trí công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của dự án theo quy định. Lắp đặt thiết bị kiểm soát lưu lượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, quan trắc giám sát việc khai thác, sử dụng nước. Có lưu hồ sơ sổ sách theo dõi khai thác sử dụng nước và nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải.

3.jpg

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy Mía đường cho biết: Sau khi kết thúc niên vụ 2021-2022, Công ty đã tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, dây chuyền, 2 hệ thống xử lý nước thải cho niên vụ tiếp theo, có kế hoạch đầu tư các hạng mục để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Niên vụ năm nay, Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng vào hạng mục hệ thống lọc tro, phục vụ cho hệ thống khí thải. Theo đó, nước dập bụi được đưa lên bồn lắng, lấy nước trong để tuần hoàn dập bụi. Tro tiếp tục được đưa vào hệ thống lọc chân không, rút tiếp nước trong ra, còn phần tro khô bơm thẳng vào xe chuyên dụng làm phân bón cho vùng nguyên liệu của Nhà máy. Công nghệ này góp phần giúp nước dập tro không bị chảy tràn, tiết kiệm nước, chi phí sản xuất trong quá trình vận hành, bảo vệ môi trường.

Thời điểm giám sát, Đoàn công tác ghi nhận toàn bộ hiện trạng các công trình xử lý chất thải trước khi tiến hành niên vụ sản xuất 2022 – 2023; chốt chỉ số các đồng hồ đo lưu lượng hệ thống xử lý nước thải; giám sát việc đơn vị thực hiện khắc phục các nội dung còn tồn tại. Qua đánh giá sơ bộ, hệ thống các hồ chứa nước thải, hồ phòng ngừa sự cố… đều đang trong tình trạng ổn định.

5(1).jpg
4.jpg

Đoàn giám sát yêu cầu Công ty tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Trong quá trình hoạt động, nếu có sự thay đổi về thiết bị lắp đặt hoặc thay đổi với các công trình bảo vệ môi trường, Công ty cần báo cáo với UBND tỉnh Sơn La, qua Sở TN&MT để kiểm tra, giám sát.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống các bể chứa, đảm bảo vận hành ổn định trước khi vào hoạt động sản xuất. Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn với các thiết bị quan trắc tự động, liên tục theo quy định. Trong quá trình sản xuất niên vụ 2022-2023, lập sổ theo dõi việc phát sinh, bàn giao các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại… theo quy định. Nghiên cứu các quy định mới về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 để thực hiện đúng.

Đoàn giám sát sẽ tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động của đơn vị trong suốt niên vụ, tránh các sự cố môi trường có thể xảy ra. Đề nghị UBND huyện Mai Sơn, thị trấn Hát Lót tăng cường nắm bắt thông tin từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Triển khai kiểm tra, giám sát với các cơ sở chế biến mía đường thủ công, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích