Ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số thế nào trong bối cảnh mới?
Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Nền kinh tế xanh cũng không nằm ngoại lệ, muốn chuyển mình mạnh mẽ đã phải ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của mình.
Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính “sóng thần” Covid lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết.
Vì thế, dù đại dịch đã khiến cả nền kinh tế xanh tan hoang nhưng nhìn ở một góc độ khác, Covid – 19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc “lột xác,” để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới. Vậy, thực tế Covid – 19 đã và đang khiến du lịch Việt thay đổi ra sao?
Công nghệ nào đồng hành với doanh nghiệp?
Có thể nói, đợt dịch bùng phát lần thứ tư này như quả bom dội vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các công ty lữ hành… đang thoi thóp cố cầm cự, khiến hầu hết các “ông lớn” kiệt sức.
Thế nhưng, dẫu có tơi tả, tan tác thì những CEO tâm huyết với ngành vẫn giữ niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Họ, mỗi người một tư duy, một cách làm và theo đuổi những giải pháp quản trị riêng, nhưng đều đã và đang chuyển mình cả về chất và lượng.
Là một trong những CEO được đánh giá tích cực lăn lộn và giàu tâm huyết của ngành du lịch Việt, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt chưa bao giờ hết niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế xanh.
Ngay sau đợt dịch Covid – 19 bùng phát ở Việt Nam lần thứ ba, ông Đạt và một số CEO du lịch đã mở trung tâm đào tạo du lịch thực tế PRATO, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm nghề và cả những bài học mà họ đã phải trả giá bằng nhiều thời gian, tiền bạc và mồ hôi công sức trong quá trình hành nghề.
Đào tạo được vài khóa học trực tiếp trên lớp thì dịch Covid – 19 lại ập đến. Rất nhanh nhạy, ông Đạt cùng cộng sự đã kịp thời chuyển sang mô hình đào tạo trực tuyến. Ông Đạt cho biết các lớp học miễn phí online mang tên “Định hướng nghề kinh doanh lữ hành dưới góc nhìn doanh nghiệp” với 10 buổi học, mỗi buổi tối đa 500 người dự, đã và sẽ diễn ra vào thứ Năm hàng tuần, từ ngày 19/8-28/10/2021.
Trong khi đó, nắm trong tay cả hệ sinh thái dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group, ông Phạm Hà cho hay đã số hóa toàn bộ doanh nghiệp với các quy trình chuẩn được thiết lập.
Không chỉ đợi tới khi bánh xe chuyển đổi số ồ ạt lăn qua các ngành nghề như thời gian qua, ngay từ năm 2004 bắt đầu khởi nghiệp Lux Group đã ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, số hóa dữ liệu, đầu tư trang web…
Nhờ công nghệ thực tế ảo mà doanh nghiệp dễ dàng phân tích các thị trường: Khách châu Âu thích tìm hiểu gì, ở đâu, ăn món nào…; khách châu Á thích mua gì, chơi đâu, đến vùng khí hậu ra sao…? Quan trọng nữa là kết hợp với nghiên cứu thị trường thực tế để tạo được tệp ‘big data’ (kho dữ liệu) về nhu cầu các hãng lữ hành gửi khách đến Việt Nam…
Ông Hà nhấn mạnh: “Công nghệ điện toán đám mây sẽ đồng hành với Du lịch Việt Nam trong tương lai. Vì thế, chuyển đổi số được thực hiện càng sớm càng tốt.”
Toàn ngành cùng “lột xác”
Không chỉ doanh nghiệp, trong bối cảnh Covid – 19 bùng phát diện rộng, các cơ quan quản lý du lịch và một số địa phương cũng đã nhanh nhạy khi chuyển cách làm mới, thích nghi để tồn tại.
Ví dụ như Hà Nội thu hút khách tham quan di tích bằng công nghệ số, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội giới thiệu trang trưng bày trực tuyến, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify; Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sản xuất các clip kể câu chuyện lịch sử về các danh nhân gắn bó với trường Quốc Tử Giám…
Những sáng tạo và đổi mới này cho thấy các đơn vị vốn có tiếng hoạt động “kiểu nhà nước” đang dần chuyển mình năng động hơn, bắt nhịp với xu hướng thời đại số. Dẫu nội dung chưa thực sự “hot” nhưng hình thức thể hiện đã bắt đầu gần gũi hơn và giúp cộng đồng dễ dàng tiếp cận với những giá trị lịch sử hơn.
Giữa cảnh khó trăm bề, dịch bệnh bủa vây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích nhằm ứng phó với Covid – 19 và đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo Phó giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), ông Hoàng Quốc Hòa: “Trung tâm đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch.”
Nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng “Du lịch Việt Nam an toàn” giống như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh toàn quốc, chia sẻ thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, khám phá điểm đến, quản lý tour du lịch, mua sắm…
Đặc biệt, công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số ngày càng được đẩy mạnh với các dự án như: Google Arts & Culture – Kỳ quan Việt Nam; “Việt Nam: Đi để yêu!” trên YouTube, nền tảng tiện ích Trang vàng Du lịch Việt Nam (https://trangvangdulichvietnam.vn)…
Trong đó, dự án Google Arts & Culture – Kỳ quan Việt Nam đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture – nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới, nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, văn hóa, lịch sử các quốc gia.
Chuẩn bị cho lộ trình thí điểm “hộ chiếu vaccine” (chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid – 19) đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vaccine https://travelpass.tourism.vn để đón du khách khi hoạt động du lịch quốc tế được mở lại.
Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đứng trước đại dịch, những người làm du lịch buộc phải tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số. Bởi chỉ có “đi trước thời đại” mới chiều lòng được những tín đồ thích xê dịch, ưa trải nghiệm lại đang đòi hỏi ngày càng cao./.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu