Công trường hơn 2.500 tỷ bắc qua sông Hồng
Sau 6 tháng khởi công, cả 5 gói thầu tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đồng loạt thi công 3 ca liên tục trong ngày, trong đó phần lớn đã đạt tiến độ 30-35%.
Cầu Vĩnh Tuy 2 là dự án giao thông trọng điểm kết nối 2 bờ sông Hồng tại cửa ngõ phía đông nam Hà Nội. Dự án được khởi công từ giữa tháng 1/2021.
Sau 6 tháng khởi công xây dựng, một số trụ cầu dẫn đã được thành hình trên đại công trường trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.
Các công nhân đang hoàn thiện những công đoạn cuối của một trụ cầu.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, đến nay cả 5 gói thầu của dự án đang được thi công đồng loạt.
Trong đó, gói thi công cầu vượt sông (cầu chính) được đánh giá phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất vừa được khởi công đầu tháng 6.
Theo đại diện liên danh nhà thầu, công nhân đang khoan cọc nhồi và khảo sát lòng sông. Do triển khai vào mùa mưa lũ, đơn vị thi công phải thuê một cơ quan phụ trách phân luồng tàu bè, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy qua khu vực.
Nhà thầu dùng nhiều xà lan làm đường nổi, huy động máy xúc, cần cẩu ra khoan đào ở lòng sông sau đó đóng cọc xung quanh phạm vi đổ trụ. Một trạm trộn bê tông nổi được lắp đặt ngay giữa sông Hồng.
Các công nhân đổ bê tông xuống các hố khoan. Để đảm bảo an toàn công trường trong mùa dịch Covid-19, quá trình đi lại, ăn ở của họ hạn chế việc tiếp xúc với người ngoài.
Công nhân và kỹ sư được chia thành 3 ca làm việc cả ngày và đêm để đảm bảo tiến độ dự án.
Hàng chục máy móc, phương tiện, thiết bị cỡ lớn cũng được huy động làm việc liên tục. Theo đại diện đơn vị thi công gói thầu này, dự án đang thực hiện các hạng mục tạo mặt bằng nên cần huy động khối lượng phương tiện, máy móc, xe chở thiết bị, vật liệu rất lớn.
Theo chỉ huy công trường dự án cầu Vĩnh Tuy 2, đến nay, ngoài gói thầu số 5 mới triển khai, cả 4 gói thầu còn lại đã đạt 30-35% khối lượng thi công.
Một kỹ sư đang lấy mẫu kiểm tra đối chứng bê tông. “Mỗi mẻ bê tông đều được chúng tôi lấy mẫu. Mẫu sẽ được nén sau đó kiểm tra cường bộ. Bê tông được sử dụng thi công phải đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội nói.
Hiện dự án còn vướng mặt bằng khoảng 150 m phía Long Biên do chưa di dời các đường điện ngầm. Chủ đầu tư cho biết việc này không quá ảnh hưởng tới tiến độ chung dự án do khu vực này chỉ đi bằng và các trụ thấp. Tuy nhiên đơn vị sẽ sớm phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.
Phía quận Hai Bà Trưng đã có sẵn mối chờ. Nhà thầu cho biết cơ quan chức năng đang khảo sát hiện trạng để sớm phá dỡ 2 trụ cầu tạm trong thời gian tới. Cầu Vĩnh Tuy 2 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 vốn thường xuyên ùn tắc vào các khung giờ cao điểm trong ngày.
Một công nhân chia sẻ khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công là thời tiết nắng nóng. “Chúng tôi phải uống nhiều nước, luân phiên nhau nghỉ ngơi vào khung giờ trưa và đầu giờ chiều để tránh bị say nắng”, công nhân Vũ Văn Nam nói.
Theo đại diện nhà thầu, giá sắt thép tăng 40% trong thời gian qua gây khó khăn cho phương án tài chính. Tuy nhiên, họ cam kết đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Sau khi các trụ dầm được thành hình, nhà thầu cũng sẵn sàng thi công đúc sẵn cấu kiện dầm bê tông cốt thép ngay tại công trường.
Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 2 có hình dáng tương tự và nằm song song với cầu Vĩnh Tuy hiện tại về phía hạ lưu sông Hồng.
Cầu có chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473 m; mặt cắt ngang cầu 19,25 m. Khi hoàn thành, cầu Vĩnh Tuy 1 và 2 sẽ có 8 làn xe, trong đó có 4 làn ôtô, 2 làn xe buýt và 2 làn xe thô sơ. Đây sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt lưu thông.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, dự kiến cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành toàn bộ và đi vào khai thác từ tháng 6/2023.
Thời gian hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2 cũng là lúc đường vành đai 2 trên cao được vận hành. Hai dự án này được kỳ vọng tạo nên một trục đường thông suốt từ khu đông sang khu tây Hà Nội.
Nguồn: Báo xây dựng