Kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang

(Xây dựng) – Tỉnh An Giang vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang (1832-2022). Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh An Giang (ảnh: TTXVN).

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: Tên gọi An Giang ra đời vào năm 1832, khi vua Minh Mệnh quyết định đổi Ngũ trấn thành Lục tỉnh ở Nam Kỳ. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mệnh đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang. Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch).

An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, nông thôn là địa bàn chiến lược. Thực tiễn chứng minh chính sách Tam nông đã giải quyết đồng bộ, hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là nông dân. Chính những chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.

Kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ.

Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988 sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; đến năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang 190 năm, với những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, An Giang đang bước vào một chặng đường phát triển mới. Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao” – Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình chia sẻ về định hướng phát triển tỉnh An Giang trong thời gian tới.

Kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng: An Giang cần khẩn trương hơn nữa để hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Nắm bắt cơ hội và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu An Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mekong.

“Lễ kỷ niệm hôm nay là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, tìm về cội nguồn, tự hào và tiếp tục khẳng định, giữ gìn, phát huy những thành quả to lớn An Giang đạt được qua 190 năm xây dựng và phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng, sự kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương An Giang sẽ là nguồn sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang chung tay, đoàn kết, phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển quê hương An Giang ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Là địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tiếp giáp với Campuchia, có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, là cửa ngõ của trục Đông Tây thông thương giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á, An Giang cần đánh giá đúng tiềm năng, vị trí, vai trò của tỉnh trong tổng thể phát triển chung của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước; xác định đúng các tiềm năng, thế mạnh, cũng như những cơ hội và thách thức của tỉnh; khai thác, huy động những dư địa mới, nguồn lực mới để tạo bước phát triển đột phá mới trong phát triển ở thời kỳ mới.

Từ đó, xây dựng các kịch bản, lựa chọn phương án phát triển và các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng; bố trí, sắp xếp các không gian phát triển mới của tỉnh; vừa cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để tỉnh có thể đạt được các mục tiêu, khát vọng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và thịnh vượng” – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết.

Kỷ niệm 190 năm ngày truyền thống thành lập tỉnh An Giang
Thành phố Long Xuyên – An Giang ngày nay đã nhiều đổi thay.

Cũng tại Lễ kỷ niệm, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 1447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày truyền thống tỉnh An Giang, lấy ngày 22/11 hàng năm là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích