Trồng rau xanh ven đường, hè phố – sạch mà không sạch

Trồng rau xanh ven đường, hè phố – sạch mà không sạch

Hải Vân –  Thứ tư, 23/11/2022 07:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước tình trạng “thực phẩm bẩn” hàng ngày vẫn đe doạ sức khoẻ và sự an toàn của những bữa cơm gia đình, nhiều người dân đã tìm mọi cách tận dụng những khoảng đất trống ở lề đường, hè phố quanh khu vực nhà ở để trồng rau xanh.

Trước tình trạng “thực phẩm bẩn” hàng ngày vẫn đe doạ sức khoẻ và sự an toàn của những bữa cơm gia đình, nhiều người dân đã tìm mọi cách tận dụng những khoảng đất trống ở lề đường, hè phố quanh khu vực nhà ở để trồng rau xanh.

Với họ, việc làm này không chỉ mang lại niềm vui, giảm một phần chi phí trong sinh hoạt mà quan trong nhất là có thể tự cung cấp rau ăn hàng ngày, tránh được nguy cơ mua phải các loại rau còn tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Rau xanh được trồng trên lề đường, hè phố – ngỡ là sạch nhưng không phải vậy. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Dọc các tuyến đường nhựa ở bất kỳ nơi đâu, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những luống rau xanh bắt mắt. Do được chăm sóc tốt hoặc sẵn nguồn đất màu mỡ, nhiều luống rau phát triển rất xanh tốt mà không phải dùng đến bất cứ loại phân bón, thuốc kích thích hay loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Theo nhiều hộ dân ven đường, họ đều có chung một nhận thức rằng đó là rau sạch. Điều đó có phần đúng nhưng chưa đủ. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Rau chỉ được coi là rau sạch hoặc rau an toàn khi đảm bảo được các tiêu chuẩn về đất, giống, nước tưới, và môi trường. Rau trồng ở ngoài đường chỉ có thể gọi là “rau xanh” chứ chưa phải là “rau sạch”, chưa thực sự đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Sử dụng loại rau đó, người dân vẫn có khả năng bị nhiễm độc” 

Chúng ta đều đã biết, trong quá trình quang hợp, cây xanh có tác dụng hít các loại khí độc, nhả ra khí oxi và giữ lại một phần bụi bẩn. Vì vậy, cây xanh thường được trồng để làm sạch không khí, chắn bụi và góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

Với đặc tính đó, những luống rau xanh mà bà con trồng ngay ven đường, hè phố hay bất kỳ khoảng đất trống nào trên đường đều chứa nhiều bụi bẩn, khí độc thải ra từ các phương tiện giao thông. Những chất độc này bám sâu vào cây rau, tích tụ lâu ngày. Khi chế biến chúng ta rửa bằng nước sẽ không thể nào loại bỏ hết được.

Mặc dù không có chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng khối lượng bụi bẩn bám vào rau kèm theo các chất độc do khí thải tích tụ trong đó sẽ khiến cho người ăn dễ bị nhiễm một số độc tố như: nhiễm độc chì hoặc một số kim loại khác (có trong khí thải của xăng, dầu).

Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ rất dễ dàng nhận ra, nhiều loại rau được trồng ở vệ đường thường bám một lớp bụi dày đặc, nhiều khi làm chúng khoác thêm một lớp áo bụi che lấp cả màu xanh vốn có.

Quá trình chuyển hoá các chất độc hại cây lấy từ đất, nước và môi trường xung quanh thành chất dinh dưỡng không thể loại bỏ hoàn toàn nhiều độc tố. Vì vậy, nguồn vitamin và dưỡng chất từ những cây rau này đưa vào cơ thể chúng ta sẽ đồng thời có thêm nhiều chất độc, gây ra những tác hại khôn lường.

Để đảm bảo cho bản thân và gia đình có một nguồn rau hoàn toàn sạch theo đúng nghĩa, các hộ gia đình ở phố xá nên thực hiện trồng rau theo phương pháp thuỷ canh, hoặc trồng ở các chậu xốp trên sân thượng.

Có rất nhiều cách trồng rau an toàn, hiệu quả mà nhiều hộ gia đình không có khoảng đất trống đã thực hiện thành công. Khi đảm bảo được các tiêu chuẩn về đất, giống, nước tưới, và môi trường trong sạch, chúng ta mới có thể thu hoạch được các loại rau xanh an toàn cho sức khoẻ người sử dụng.

Chớ vì lầm tưởng rau ven đường là rau sạch mà vô tình dung nạp toàn bộ các chất độc hại từ môi trường, khói bụi và đất không rõ nguồn gốc vào cơ thể chính mình qua những luống rau xanh./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích