Báo ngoại điểm ra những nhân tố tích cực của kinh tế Việt Nam
Mặc dù còn một số rủi ro do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, điều kiện cho vay bị thắt chặt… song dư luận nước ngoài vẫn đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Dự báo triển vọng tích cực
Tờ The Australia Financial Review (ARF), nhật báo kinh tế hàng đầu của Australia, ngày 18/10 đánh giá Việt Nam là ngoại lệ trong tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay. Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 7%, tốc độ nhanh nhất trên thế giới.
Tờ Bloomberg cũng cho rằng triển vọng dài hạn của Việt Nam không thay đổi do tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn so với các nước trong khu vực nhờ các yếu tố: nền kinh tế mở cửa, kiên định theo đuổi tự do thương mại và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài; lợi thế về chi phí lao động, là trung tâm sản xuất thay thế; sự phát triển trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…; hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung; xuất khẩu hồi phục; thúc đẩy đầu tư công, đầu tư cho cơ sở hạ tầng; các chính sách kinh tế vĩ mô “lành mạnh”; sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thúc đẩy nhu cầu.
Các định chế tài chính quốc tế cũng tiếp tục đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm sau. Cụ thể, ngân hàng UOB của Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức 8,2% và 6,6% trong năm 2023.
Các định chế tài chính quốc tế cũng tiếp tục đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm sau (Ảnh: Hoàng Giám). |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản báo cáo cập nhật công bố hồi tháng 10 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 7% trong năm nay dù kinh tế toàn cầu đang hứng chịu những cơn sóng gió lớn.
Tương tự, Ngân hàng Standard Chartered cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 6,7% lên 7,5% và năm sau từ mức 7% lên 7,2%.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây cũng đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7,4% trong năm nay và 6,2% trong năm sau. Đồng thời, cơ quan này đánh giá chỉ số phát hành bằng nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, tức triển vọng tích cực.
Vị thế tăng trong nhiều lĩnh vực
Đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang được dư luận nước ngoài đánh giá là “miền đất hứa”, “nơi thành công nhất”, chiếm ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Phillippines.
Những yếu tố tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài gồm: chi phí nhân công rẻ, dân số trong độ tuổi lao động đông; vị trí địa lý gần Trung Quốc; môi trường chính trị ổn định; các chính sách thân thiện với doanh nghiệp; Việt Nam đã ký hiệp định FTA với nhiều quốc gia; tầng lớp trung lưu tăng; khả năng tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cũng nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực nhờ được hỗ trợ bởi nỗ lực của Chính phủ trong việc tự do hóa kinh tế và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những bất ổn trong khu vực.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 6/10 cũng cho rằng, hiện Việt Nam có cơ hội tiến xa hơn trong chuỗi giá trị, không chỉ dừng ở khâu lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm. Do đó, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng và nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Về kinh tế số, tờ Sputnik dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, cán mốc 23 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Lĩnh vực thương mại điện tử cũng có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỷ USD vào năm 2025, bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực.
Việt Nam cũng được tờ BBC đánh giá vượt Thái Lan về nhiều mặt. Xét về quy mô, GDP Thái Lan vẫn lớn hơn GDP Việt Nam, song xét về tốc độ tăng trưởng của đầu tư nước ngoài và sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như sức mua nội địa tăng mạnh, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn Thái Lan.
Đánh giá riêng về phục hồi sau Covid-19, theo bảng xếp hạng về Chỉ số phục hồi Covid-19 do Nikkei Asia công bố ngày 10/10, Việt Nam và Campuchia đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã có bước chuyển mình “ngoạn mục” vươn lên top 10 trong 4 tháng liên tiếp, tăng mạnh so với vị trí thứ 100 trong lần công bố hồi tháng 7/2021.
Tuy nhiên, dư luận và các tổ chức, chuyên gia nước ngoài cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt như giá trị đồng nội tệ chịu áp lực, lợi thế lao động có thể thay đổi do quá trình già hóa và chi phí lao động tăng, rủi ro lạm phát tăng cao…
Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần đầu tư nhiều vào hạ tầng và nguồn nhân lực; hoạch định chính sách dài hạn hướng tới việc tự sản xuất được sản phẩm và nắm được quy trình công nghiệp; nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là công nghệ thông tin; khẩn trương nâng cao trình độ lao động có tay nghề cao để mở rộng sản xuất; cải cách thể chế, chuyển mạnh sang chính phủ điện tử, kinh tế số và kết nối trực tiếp các chuỗi giá trị của Việt Nam với thế giới…
Nguồn: Báo xây dựng