Bất động sản Nhật Nam: Chung cư sẽ là phân khúc “hot” nhất trong năm tới

CEO Bất động sản Nhật Nam Chung cư sẽ là phân khúc “hot” nhất trong năm tới
Đầu tư vào những phân khúc hướng tới nhu cầu ở thật của người dân được đánh giá là an toàn nhất hiện nay

Trong khoảng 6 tháng trở lại đây, thị trường bất động sản liên tiếp gặp những thông tin bất lợi như việc thắt chặt tín dụng, những sự việc đáng tiếc của nhiều “ông lớn”… khiến tâm lý của các nhà đầu tư bị dao động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như các nhà đầu tư có kinh nghiệm đều cho rằng, đầu tư vào những phân khúc hướng tới nhu cầu ở thật của người dân, không lướt sóng sẽ là an toàn và triển vọng nhất.

Sóng sẽ nổi ở phân khúc chung cư

Bà Vũ Thị Thúy – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam cho biết, trong thời gian qua, trong giai đoạn tháng 4 – 10 thị trường bất động sản khá ảm đạm nhưng số liệu từ các đơn vị thống kê đang cho thấy, lượng giao dịch đã tăng ở hầu hết các phân khúc.

“Thực tế này là điều đương nhiên bởi lâu nay bất động sản luôn là kênh đầu tư được đánh giá là an toàn nhất, là sự lựa chọn hàng đầu của người có tiền. Câu chuyện chỉ là phân khúc nào hấp dẫn hơn”, bà Thúy nhận định.

Cũng theo bà Thúy, khẩu vị đầu tư của mỗi người là khác nhau nhưng với những người có kinh nghiệm sẽ định hướng đến loại hình bất động sản đáp ứng nhu cầu để ở, đặc biệt là chung cư. Bởi lẽ đây là phân khúc ít chịu nhiều tác động của các yếu tố vĩ mô, thậm chí còn tăng giá nếu nguồn cầu lớn.

Trước đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng, phân khúc nhà ở chung cư sẽ hấp dẫn được dòng tiền trong giai đoạn tới. Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa tăng nhanh như hiện nay thì nhu cầu nhà ở sẽ gia tăng rất cao, chỉ đi ngang khi đa số người dân đều sống ở đô thị, phù hợp với mức tài chính 3-5 tỷ của nhiều người.

Trong báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect đánh giá, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 30.000 căn vào năm 2023, đóng góp chủ yếu từ các dự án lớn ở phía Tây và Đông Thủ đô.

Tỷ lệ hấp thụ có khả năng cải thiện đáng kể đạt 100 – 105% trong giai đoạn 2022 – 2023 do cầu bị dồn nén, cao hơn mức 75 – 90% trong giai đoạn 2018 – 2019, tương đương với 27.000 – 30.000 căn hộ được tiêu thụ mỗi năm.

Đơn vị này dự báo giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội duy trì mức tăng ổn định, trung bình tăng 4 – 6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó phân khúc trung cấp có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất 9% so với cùng kỳ do nhu cầu cao.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc sàn giao dịch batdongsan.com.vn cũng đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư thay vì tập trung vào các loại hình đầu cơ thì nên đổ tiền vào những bất động sản giá trị, những khu vực tiềm năng, kinh tế địa phương phát triển ổn định trong tương lai trung và dài hạn.

Cơ hội cho chủ đầu tư có tiềm lực

Tại  Hội thảo “Thị trường bất động sản cuối năm 2022: Xu hướng và cơ hội đầu tư”,  TS. Lê Sĩ Trí – Chuyên gia kinh tế cho biết, thách thức đối với thị trường bất động sản luôn luôn hiện hữu nhưng không phải không có cơ hội khi nhiều chính sách liên quan đã đã và đang được thực thi, “nút thắt” tín dụng trước sau gì cũng sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã tăng từ 20 triệu người (năm 2019) lên 24 triệu người vào năm 2021, dự kiến đạt 27 triệu người vào năm 2025. Khi tầng lớp này tăng lên tất yếu nhu cầu chi tiêu cũng sẽ tăng, mặt hàng bất động sản cũng được hưởng lợi khi thu nhập và nhu cầu mua sắm tăng. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa cũng tăng từ 35% năm 2012 lên 37% năm 2021 và dự kiến tăng lên 40% năm 2025.

Ông Trí cho rằng, những yếu tố này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cơ hội không phải dành cho tất cả các chủ đầu tư. Bởi lẽ, thị trường đang trong quá trình thanh lọc mạnh nên chỉ những đơn vị có tài chính mạnh, phương án kinh doanh tốt mới đạt được những hiệu quả cao.

Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay đang là “khủng hoảng thiếu”, các sản phẩm vừa tầm kinh tế ngày càng hạn hẹp và vượt khả năng chi trả.

Thực tế, trong thời gian qua, giữa cơn “khát vốn” khiến nhiều doanh nghiệp quay cuồng thì vẫn có những đơn vị đã giải được bài toán khó này bằng hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Đối tượng mua lại đều là những dự án, tòa cao ốc bỏ không hàng chục năm, sau đó tiến hành “hồi sinh”, tăng thêm nguồn cung cho thị trường, giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn.

“Sức ép tín dụng thường sẽ chỉ ảnh hưởng đến những đơn vị sử dụng đòn bẩy quá lớn, thực tế là trong giai đoạn vừa qua vẫn có những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, âm thầm mua gom các sản phẩm bất động sản có vị trí tốt, chờ thời điểm hợp lý để tung ra thị trường”, bà Vũ Thị Thúy – Chủ tịch HĐQT Bất động sản Nhật Nam cho biết.

 

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích