Phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh ở bến đò Rộ
Ghi dấu lịch sử trong Phong trào cách mạng 1930-1931
Vùng đất Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nổi tiếng bởi sơn thủy, hữu tình, tuy nhiên, đây lại là vùng đất “tứ tắc”, bị che lấp bốn bề. Việc thông thương của nhân dân chủ yếu nhờ những bến đò ngang. Từ xưa, các bến đò ngoài việc là nơi giao thương, đây còn là những địa điểm ghi dấu lịch sử của vùng đất và con người Thanh Chương.
Bến đò Ba Nghè (sau này là bến đò Phuống, xã Thanh Giang) là nơi 3 lần đón các ông Nghè (Tiến sỹ) về quê vinh quy bái tổ. Bến đò Rạng, nơi ghi dấu ấn của ông Đội Cung cùng với cuộc binh biến Đô Lương vào đầu năm 1941. Bến đò Rộ, nơi ghi dấu ấn của cuộc biểu tình lớn nhất trong Phong trào Cách mạng 1930-1931, góp phần làm nên đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh,…
Bến đò Rộ trước đây là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của vùng Rộ, huyện Thanh Chương. Ảnh: Tư liệu |
Bến đò Rộ nằm ở xóm Minh Đức, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Trước kia, đây là tuyến giao thông quan trọng nối liền giữa vùng Rộ bên hữu ngạn với vùng tả ngạn sông Lam. Bến Rộ còn là đầu mối giao thông, từ đây có thể đi chuyển sang Lào.
Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến năm 1945, trung tâm hành chính của huyện Thanh Chương ở vùng Rộ (vùng đất nằm bên hữu ngạn sông Lam, cách Quốc lộ 46A một dòng sông). Nơi đây, có Huyện đường Thanh Chương, nhà lao, các cơ quan hành chính của chính quyền phong kiến cũ, tồn tại từ năm 1831 đến năm 1945. Tại đây, thực dân Pháp bố trí nhiều đồn bốt để bảo vệ Huyện đường Thanh Chương.
Sau cuộc biểu tình của nhân dân Thanh Chương vào ngày 1/5/1930 giành được thắng lợi, phong trào cách mạng nơi đây càng lên cao. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tìm mọi cách để đàn áp phong trào. Không để cho thực dân Pháp thực hiện mưu đồ, Tỉnh ủy Nghệ An đã có chủ trương tổ chức các cuộc tổng biểu tình thị uy, biểu dương lực lượng. Trong không khí rạo rực tinh thần đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh, Huyện uỷ Thanh Chương đã quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930.
Để chuẩn bị cho tổng biểu tình, đêm 31/8/1930, các đội Tự vệ Đỏ canh gác các ngả đường, bến đò để cô lập Huyện đường Thanh Chương với các làng, xã. Truyền đơn được rải trên nhiều ngả đường. Cờ đỏ được cắm trên các nóc đình, các cây cao và các đỉnh núi.
Từ 1 giờ sáng ngày 1/9/1930, sau tiếng trống phát lệnh ở các đỉnh núi cao của các tổng, cả Thanh Chương náo động bởi tiếng trống, tiếng mõ và tiếng hò reo. Quần chúng từ các địa điểm tập trung đã được quy định, tổ chức thành đội ngũ. Đi đầu đoàn là những người cầm cờ, biểu ngữ, lực lượng tự vệ có trang bị vũ khí thô sơ được bố trí đi 2 bên để bảo vệ đoàn biểu tình.
Nhà giáo Trần Văn Thìn, năm nay 81 tuổi, nguyên Hiệu trường Trường Trung học phổ thông Đặng Thúc Hứa (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) cho biết, ngày 1/9/1930, hơn 2 vạn người dân của 5 tổng: Cát Ngạn, Võ Liệt, Bích Hào (bên Hữu Ngạn) Xuân Lâm, Đại Đồng (bên tả ngạn vượt sông Lam qua bến đò Rộ) cùng kéo nhau về Huyện đường Thanh Chương để đấu tranh.
Chính quyền phong kiến và thực dân đã phong tỏa bến đò Rộ, binh lính lăm le súng, sẵn sàng bắn vào những ai cố gắng lên đò vượt sông. Khi đó, đồng chí Nguyễn Công Thường ở tổng Xuân Lâm dẫn đầu vượt sông để sang Võ Liệt thì bị thực dân Pháp bắn chết. Lòng căm thù của người dân vụt lên cao. Người dân ở Xuân Lâm và Đại Đồng đã lên đò vượt sông tràn vào cướp Huyện đường Thanh Chương.
Cuộc biểu tình này đã đánh đổ chính quyền phong kiến và thực dân ở huyện Thanh Chương, thành lập chính quyền sơ khai của nhân dân. Những gì diễn ra vào ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương, được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh – đỉnh cao của Phong trào cách mạng 1930-1931 trong toàn quốc và bến đò Rộ là nơi đầu tiên diễn ra sự kiện đó.
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền tại huyện Thanh Chương, theo cụ Phan Tố Đức, cán bộ lão thành cách mạng ở xã Võ Liệt với 106 năm tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng cho biết, nhiều cán bộ và người dân huyện Thanh Chương vượt đò Rộ kéo nhau về Huyện đường Thanh Chương biểu tình, khiến chính quyền thực dân ở đây nhanh chóng tan rã, và chính quyền Cách mạng nhanh chóng được lập nên.
Đất nước thống nhất, bến đò Rộ vẫn là nơi sang sông của người dân và cũng chứng kiến thêm những phút giây lịch sử đối với người dân địa phương. Nhà giáo Trần Văn Thìn xúc động kể lại: “Bến đò Rộ còn chứng kiến một sự kiện mà hình ảnh thời khắc đó, đến nay vẫn còn đọng lại trong tâm thức nhiều người.
Khởi công xây dựng cầu Rộ thay thế những chuyến đò sang ngang |
Vào năm 1987, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Thanh Chương, đi dâng hương tưởng niệm tướng quân Phan Đà (tướng của Lê Lợi), qua bến đò Rộ. Nhân dân Võ Liệt ở hai bên đường chào đón Đại tướng. Khi ra về, bến đò Rộ chật cứng người chờ chào biệt Đại tướng. Đò chở Đại tướng rời bến Rộ chừng 30m, ông quay lại giơ tay vẫy chào bà con. Hình ảnh thật đẹp đẽ và xúc động”.
Nơi gắn bó một thời với tuổi thơ Bác Hồ
Theo ông Hoàng Văn Kiểm, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương cho biết, bến đò Rộ (hay bến đò Nguyệt Bổng) còn là nơi ghi dấu ấn một thời niên thiếu của Bác Hồ. Đó là vào khoảng năm 1903, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dẫn hai anh em là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung lên Thanh Chương dạy học.
Ông Nguyễn Sinh Sắc được bố trí dạy học trong nhà ông Nguyễn Thế Vấn ở xã Võ Liệt. Ông để Nguyễn Sinh Khiêm ăn học trong nhà ông Lê Kim Tường, ở làng Nguyệt Bổng (xã Ngọc Sơn), còn Nguyễn Sinh Cung cùng đi theo cha qua Võ Liệt. Cứ vào dịp cuối tuần, ông Nguyễn Sinh Sắc lại cho cậu Nguyễn Sinh Cung ra bến đò Rộ, sang sông chơi với anh ở nhà ông Lê Kim Tường. Kỷ niệm này đã gắn bó với Bác Hồ suốt cuộc đời.
Theo hồi ký của ông Nguyễn Sỹ Quế, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh cho biết, khi ra gặp Bác, Bác đều hỏi thăm về làng Nguyệt Bổng, về bến đò Rộ, nơi một thời Bác đã gắn bó.
Được biết, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đây là vùng sầm uất nhất của vùng Thanh Chương. Đến năm 1956, cơ quan hành chính của huyện Thanh Chương được chuyển về thị trấn Dùng ngày nay. Vì thế, sự giao thương ở vùng Rộ bị mai một.
Đất nước thống nhất, bến đò Rộ vẫn sớm hôm đón khách sang sông cho đến ngày 19/5/2004, cầu Rộ được khánh thành và thông xe. Cũng từ đó, sứ mạng của bến đò Rộ lâu nay được chuyển giao cho chiếc cầu vươn mình nối đôi bờ sông Lam.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương cho biết, nhiều người dân Thanh Chương xa quê cũng đã từng bày tỏ mong muốn khôi phục lại bến đò Rộ. Nếu có nhiều nguồn thông tin, cứ liệu lịch sử đầy đủ thì việc xem xét công nhận di tích lịch sử thì việc cũng nên làm. Sau này, bến đò Rộ nếu đủ điều kiện xếp hạng thì sẽ nằm trong cụm di tích lịch sử, gồm: Nhà thờ họ Lê Kim, Đình Võ Liệt, Đền thờ Bạch Mã, di tích Tướng quân Phan Đà. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện cũng sẽ giao cho ngành văn hóa tiếp tục thu thập thông tin, tài liệu lịch sử về bến đò này./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô