Từ Chính phủ điện tử tới Chính phủ số: Lợi ích của chia sẻ dữ liệu
Chia sẻ dữ liệu quốc gia giúp tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ.
Trung tâm điều hành thông minh và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN) |
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV) diễn ra trong tháng 11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã và đang kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, giúp đất nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Vì sao cần chia sẻ dữ liệu quốc gia?
Ngày 9/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và hướng tới Chính phủ số.
Đây cũng là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Nghị định này nhấn mạnh “dữ liệu số” thể hiện tinh thần dữ liệu số sẽ là nền tảng để phát triển hướng tới Chính phủ số.
Nghị định quy định làm rõ các nội dung về quản lý dữ liệu trong cơ quan nhà nước để xây dựng hạ tầng dữ liệu trong Chính phủ điện tử có tính bền vững và nhất quán.
Một trong những điểm mới trong Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước là các quy định được dựa trên các cách thức tiếp cận về dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, sử dụng công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu làm nền tảng cơ bản cho hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
Thay vì triển khai kết nối theo hướng “bắt tay trực tiếp,” “xin-cho” thì Nghị định đưa vào các quy định theo hướng chia sẻ dữ liệu là “phục vụ” cho các cơ quan khác qua “dịch vụ chia sẻ dữ liệu” theo “đăng ký, yêu cầu.”
Dịch vụ chia sẻ dữ liệu được triển khai qua giao diện API của hệ thống thông tin, là cách thức thông dụng, phổ biến hiện nay. Việc xác định chia sẻ dữ liệu qua dịch vụ cũng là tiền đề để triển khai các giải pháp mới hướng tới xây dựng đám mây dữ liệu của Chính phủ số trong tương lai.
Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số, đó là: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.”
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương, sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ trực tiếp các địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ dịch vụ công hiện nay đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97%; dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt gần 68%; hồ sơ xử lý trực tuyến là 43%, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia về chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI – Online Service Index), tăng 5 bậc so với năm 2020.
Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá đẩy nhanh chuyển đổi số. Đến nay, có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả ba trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Bộ Thông tin và truyền thông định kỳ cập nhật và công bố các nền tảng số quốc gia trên Cổng thông tin Chuyển đổi số quốc gia.
Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ do Thủ tướng giao đang được khẩn trương hoàn thiện. Có 45 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành phân hệ theo dõi tiến độ các nhiệm vụ.
Hệ thống Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai và đưa vào vận hành để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương; cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu.
Bốn bộ chỉ số điều hành, thống kê, theo dõi giám sát, kinh tế xã hội địa phương từng bước hình thành.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối bốn cấp hành chính và đang tiếp tục được phát triển. Mạng đã kết nối đến tất cả các huyện, gần 97% xã toàn quốc. Trong năm 2022 đã có 117.100 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng về chuyển đổi số.
Thời gian qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác chính thức. Hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia từng bước được hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Cán bộ Công an phường Tân An, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2. (Ảnh: TTXVN phát) |
Đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; 8 cơ sở dữ liệu, 12 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
Hiệu quả ban đầu mang lại rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời. Việc này góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho đất nước.
Vướng mắc về dữ liệu mở
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những tồn tại của công tác xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong thời gian vừa qua là việc chia sẻ, mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các bộ, ngành, địa phương, chưa phát huy tối đa giá trị của các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Trên thực tế đã xuất hiện các thách thức trong xây dựng dữ liệu mở.
Trước hết là về khung pháp lý. Đây là thách thức lớn nhất hiện nay trong việc triển khai dữ liệu mở tại Việt Nam.
Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP tạo ra cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước, song vẫn cần các văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có đủ khả năng triển khai.
Ngoài ra, tư tưởng “mặc định đóng” (dữ liệu) còn tồn tại phổ biến trong các cơ quan nhà nước với nhận định rằng các dữ liệu liên quan đến nhà nước đều cần được bảo vệ và không nên bị tiết lộ ra công chúng, trừ trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Sự phân loại giữa dữ liệu mở (có thể công khai) và dữ liệu bí mật còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến sự e ngại của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin công dạng mở.
Chẳng hạn, vào năm 2019 đã có những tranh cãi xung quanh việc đóng dấu mật cho thông tin về phương án điều chỉnh giá điện.
Đối với các cơ sở dữ liệu có chứa đựng thông tin cá nhân thì đây là một vùng xám giữa việc giữ bí mật hay công khai.
Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa đề cập nhiều đến thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân cũng như các chế tài xử phạt còn rất nhẹ nhàng đối với các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân.
Từ đó dẫn đến việc các cơ quan nhà nước đều gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá thông tin cá nhân nào cần được bảo vệ và cách thức bảo vệ như thế nào.
Chuyển đổi số giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quầy thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Thứ hai là về năng lực của các đơn vị. Hiện nay, các cơ quan nhà nước đều đang thiếu đội ngũ chuyên gia kỹ thuật về dữ liệu và dữ liệu mở, về bảo vệ an toàn dữ liệu, về định dạng dữ liệu…
Điều này tác động đến chất lượng của dữ liệu mở trên các phương diện về tính đầy đủ, tính cập nhật, tính phân cấp (phân quyền tiếp cận thông tin khác nhau cho các nhóm khác nhau).
Nguyên nhân là do lĩnh vực khoa học dữ liệu (data science) còn rất mới nên chưa đào tạo được nguồn nhân lực dồi dào.
Bên cạnh đó, điều kiện và phúc lợi tại khu vực tư dễ thu hút đội ngũ nhân lực này sang làm việc và khiến cho khu vực công khó thu hút được người hoặc khó giữ chân được người làm việc.
Việc cung cấp các dữ liệu mở được xem như một loại hình dịch vụ với hàng hóa là thông tin. Vì vậy, khi các cơ quan đơn vị triển khai công bố dữ liệu mở thì phải kèm với các quy định, điều khoản sử dụng và bản quyền cho phép sử dụng để người truy cập có thể sử dụng, tái sử dụng hợp pháp và không phát sinh tranh chấp pháp lý về sau.
Những nội dung này vẫn chưa được đội ngũ nhân lực trong các đơn vị hiểu biết tường tận.
Thứ ba là về đồng bộ dữ liệu giữa các bên. Thách thức này liên quan đến việc liên kết đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố và cấp quận/huyện.
Giải pháp tháo gỡ
Về việc tháo gỡ vướng mắc của dữ liệu mở để tiến tới Chính phủ số tại Việt Nam, Thạc sỹ Trần Quảng Sơn và Thạc sỹ Bùi Thị Huệ (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra đề xuất:
Thứ nhất là cơ quan nhà nước các cấp cần xây dựng các kế hoạch triển khai cơ sở Dữ liệu mở phù hợp với chức năng thẩm quyền. Đồng thời, các đơn vị phải ban hành các quy chế, quy định khai thác, sử dụng dữ liệu mở.
Đây chính là các căn cứ pháp lý để các nhóm tham gia (công chức, công dân, doanh nghiệp…) có thể tham gia theo quy định và đúng quyền hạn.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản chúng ta cần chú ý đến quy định về truy cập và chia sẻ thông tin giữa các bộ dữ liệu mở để đảm bảo tính đồng bộ và đảm bảo tính truy cập giữa chính quyền địa phương với Trung ương.
Thứ hai là cần quan tâm đến công tác tuyển dụng đội ngũ kỹ sư về khoa học dữ liệu để phục vụ cho công tác cung cấp và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu mở.
Đây là một nhu cầu hết sức cấp bách, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng kinh tế số và nhu cầu về nhân lực khoa học dữ liệu tăng cao trong cả khu vực công và tư.
Thứ ba là đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong dữ liệu mở.
Thứ tư là chú trọng công tác tuyên truyền và công khai thông tin về chia sẻ dữ liệu mở. Tác dụng của dữ liệu mở chỉ phát huy tốt nhất khi có sự tham gia tích cực từ phía cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội.
Việc xây dựng và triển khai các bộ dữ liệu mở là xu thế tất yếu và là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số.
Chính phủ đã kịp thời nắm bắt và ban hành chính sách, các văn bản quy định và thực hiện một loại các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc công khai thông tin công mở tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Cụ thể, Chính phủ đang triển khai các đầu mối dữ liệu như cổng đăng ký doanh nghiệp, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, cổng thông tin đấu giá tài sản…
Để có thể giải quyết các thách thức trên thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều bên từ Chính phủ, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, các cơ quan và đơn vị cấp dưới… nhằm phát huy hết tiềm năng và lợi ích của dữ liệu mở đối với các mặt trong đời sống./.
Nguồn: Báo xây dựng