Giáo dục phải thật sự là “quốc sách hàng đầu”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại một lần nữa quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” là tư tưởng nhất quán thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nền giáo dục nước nhà. Điều đó được cụ thể hóa thông qua việc xây dựng, hoạch định chính sách và dành nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Về nguyên tắc chung, Thủ tướng chỉ đạo năm học 2011 – 2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngành Giáo dục cần hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý 4 năm nay cùng Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, vận hành cơ chế tự chủ đại học, mở rộng hợp tác quốc tế… hướng tới nền giáo dục có chất lượng, uy tín.
Về kế hoạch của năm học 2021-2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin theo hướng: Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho các cháu. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi có thể học bình thường kèm biện pháp 5K như nhiều nước trên thế giới đang triển khai.
Đối với các địa phương không có dịch, chủ động phương án quay lại trường học cho các cháu nhưng có biện pháp kiểm tra sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt, học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Các lãnh đạo địa phương lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo phải giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó, học một đằng thi một nẻo. Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, cần có giải pháp để học sinh thích học môn lịch sử và tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ gắn với việc đổi mới và sáng tạo cách dạy học.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, nhân dịp năm học mới, tôi xin chúc và mong các đồng chí với trí tuệ, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm ra sức xây dựng nền giáo dục ngày càng phát triển, tất cả vì thế hệ trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì một Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu ”, một Việt Nam thịnh vượng và hạnh phúc”, Thủ tướng gửi gắm niềm tin.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, để triển khai nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố xác định 6 giải pháp trọng tâm gồm: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc dạy, học theo kế hoạch năm học; tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh cũng nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, đó là số lượng học sinh mỗi năm của Thành phố tăng 69.000 em, song biên chế giáo viên không được giao tăng thêm. Trong khi đó, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 đã hết hiệu lực, chưa có cơ sở pháp lý để các địa phương ban hành Nghị quyết về thu học phí cho năm học 2021-2022; việc triển khai một số Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực giáo dục còn có những bất cập với thực tiễn và Luật Giáo dục.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban ngành một số vấn đề như: Sớm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp quận, huyện, thị xã; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP; có hướng dẫn để bảo đảm việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ trên quy mô trường, lớp, học sinh…
Đặc biệt, Thành phố kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho phép Hà Nội được thực hiện cơ chế đặc thù các dự án trường học tại các quận nội thành không còn quỹ đất được tăng mật độ xây dựng, tầng cao, tầng hầm phù hợp với từng địa bàn, tính chất theo từng dự án./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô