Bắc Giang: Cấp bách bảo vệ tài nguyên nước
Bắc Giang: Cấp bách bảo vệ tài nguyên nước
Theo dõi MTĐT trên
Nước là nhu cầu thiết yếu đối với đời sống con người, đóng vai trò chủ đạo, quan trọng đối với phát triển các ngành kinh tế. Do nhiều nguyên nhân, nguồn tài nguyên quý này đang bị nhiều tác nhân gây ô nhiễm, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ kịp thời.
Xả thải trái quy định gây ô nhiễm
Bắc Giang được đánh giá có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào với hệ thống sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam dài gần 350 km, cùng nhiều hồ ao, đầm, mạch nước ngầm. Tuy nhiên, trước tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra nhanh, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng tiêu thoát nước chưa đồng bộ, tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm còn xảy ra ở nhiều nơi.
Có nhiều tác nhân làm ô nhiễm nguồn nước như: Rác thải, nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, từ quá trình sinh hoạt, rác thải y tế…
Theo bà Đàm Thị Hương Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong hoạt động sản xuất công nghiệp, việc bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Hiện tại các khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xả thải tập trung đạt chuẩn A.
Các doanh nghiệp (DN), nhà máy thứ cấp khi đi vào hoạt động đều phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn B chảy ra hệ thống thu gom, xử lý chung của khu, cụm công nghiệp. DN có lượng nước phát thải cao phải lắp hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, kịp thời phát hiện chỉ số vượt chuẩn trong nước để điều chỉnh phù hợp (hiện có gần 30 DN trong tỉnh đã lắp hệ thống này).
Cùng theo bà Giang, lo ngại nhất vẫn là nước thải ra từ quá trình sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ chưa được xử lý đúng quy định. Toàn tỉnh hiện chỉ có TP Bắc Giang có nhà máy xử lý nước thải, song việc thu gom đưa nước thải về nhà máy xử lý chưa được triệt để.
Nguyên nhân do hệ thống tiêu thoát nước ở một số khu dân cư cũ chưa được đấu nối vào hệ thống thoát nước thải chung hoặc chưa đạt chuẩn kỹ thuật nên ở nhiều khu vực, nước thải vẫn tràn sang hệ thống thoát nước mưa, xả thẳng ra môi trường. Các huyện còn lại hầu như chưa có nhà máy xử lý nước thải.
Ngoài ra, do việc san lấp mặt bằng thực hiện các dự án, quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ, thống nhất, còn xảy ra tình trạng chặn nguồn tiêu thoát nước; trong khi ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của một bộ phận người dân, DN, tổ chức còn hạn chế; tình trạng xả rác thải, nước thải từ quá trình sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Thời gian qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn đã nhận nhiều đơn thư, ý kiến của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất, người dân xã Vân Hà và một số xã ở huyện Việt Yên kêu cứu về việc DN phía tỉnh Bắc Ninh xả nước thải bẩn từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu biến nước sông có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Từ năm 2021 đến nay, qua nắm bắt tình hình và phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít vụ có hành vi xả thải, chôn lấp rác thải chưa đúng quy định tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước.
Điển hình là vụ cơ quan chức năng phát hiện hai DN có vốn đầu tư nước ngoài chôn lấp 257 tấn chất thải công nghiệp dưới lòng đất tại Khu công nghiệp Lan Sơn, xã Lan Mẫu (Lục Nam); vụ đổ 15 nghìn kg tro, xỉ thải phát sinh từ hoạt động tái chế, luyện nhôm tại khu vực thôn Sòi, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang).
Vụ người dân xã Quang Châu (Việt Yên) phun thuốc diệt cỏ cho lúa làm chết hơn một tấn cá tại khu ruộng; cây xăng ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) để xăng rò rỉ làm nguồn nước ngầm của hộ dân xung quanh bị ô nhiễm…
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Xác định bảo vệ tài nguyên nước là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn liên quan, thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý tài nguyên nước; các giải pháp bảo vệ môi trường nước.
Trước hết là đưa vào quy hoạch tỉnh (đã được Chính phủ phê duyệt) các phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, phấn đấu đưa Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% khu, cụm công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 17 về huy động toàn dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý triệt để rác thải ra môi trường; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 06 về hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn, các huyện quy hoạch, xây dựng các nhà máy, lò đốt rác thải tập trung hợp vệ sinh, hạn chế tối đa xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp gây ô nhiễm đất và nước.
Sở đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về việc bảo vệ tài nguyên nước đến nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải (nhất là ở các khu, cụm công nghiệp) trước khi thải ra môi trường; tổ chức điều tra hiện trạng việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thực hiện nghiêm việc cấp phép khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm; điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT
UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản như: Quyết định phê duyệt, công bố danh mục gần 900 hồ, ao, đầm không được phép san lấp, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt (nước mặt, nước ngầm) của các công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh.
Gần đây nhất, ngày 1/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải làm cơ sở để áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt, nước thải trên địa bàn tỉnh…
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT thông tin: Sở đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về việc bảo vệ tài nguyên nước đến nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải (nhất là ở các khu, cụm công nghiệp) trước khi thải ra môi trường; tổ chức điều tra hiện trạng việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thực hiện nghiêm việc cấp phép khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện hệ thống chế tài xử lý pháp luật về môi trường…
Cùng với vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chức năng, để ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ suy giảm chất lượng nước, cạn kiệt nguồn nước rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, bắt đầu từ mỗi cá nhân, DN thông qua các hành động cụ thể, như: Thu gom, phân loại, xử lý chất thải, nước thải đúng quy định, không xả thải trực tiếp ra môi trường; sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, hợp vệ sinh; hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; tích cực lên án, phê phán, tham gia tố giác các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước…/.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị