Những thói quen ăn uống làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, cũng như mùa thu và mùa đông đang đến gần, việc tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đóng vai trò rất quan trọng. Được biết, hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi những thứ như mức độ căng thẳng, thời lượng ngủ, và đặc biệt là thức ăn chúng ta tiêu thụ.
Khi nói đến việc duy trì một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và khỏe mạnh, các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên từ bỏ một số thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Uống quá nhiều rượu
Tiêu thụ quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng miễn dịch của bạn. Rượu có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng, bởi vì khi uống rượu, cơ thể có thể mất nhiều thời gian hơn để nhận biết và phản ứng với tình trạng nhiễm trùng đang phát triển. Nói cách khác, rượu ức chế sự hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C và kẽm, những chất quan trọng đối với chức năng hệ thống miễn dịch của chúng ta. Lạm dụng rượu có thể làm các triệu chứng bệnh kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.
Tiêu thụ quá nhiều đường
Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc ăn thường xuyên thực phẩm chứa nhiều đường với chức năng miễn dịch bị suy giảm. Đó là bởi vì các tế bào bạch cầu, tế bào liên quan đến việc chống lại nhiễm trùng, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc tiêu thụ quá nhiều đường, theo đó, có thể ngăn ngừa chúng khỏi việc chống lại nhiễm bệnh một cách hiệu quả.
Tiêu thụ quá nhiều muối
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ, người trưởng thành nên tiêu thụ khoảng 2300 mg natri hoặc ít hơn mỗi ngày. Việc tiêu thụ quá nhiều natri có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Thực hiện theo một chế độ ăn giàu natri với nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gây viêm trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Ngoài ra, muối cũng được cho là có thể ức chế một số phản ứng tự nhiên của cơ thể nếu tiêu thụ quá mức, chẳng hạn như ngăn chặn các phản ứng chống viêm và thậm chí làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta. Tiêu thụ nhiều natri có liên quan đến việc làm trầm trọng thêm các bệnh tự miễn dịch hiện có như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh Celiac (không dung nạp gluten) và lupus ban đỏ.
Không ăn đủ trái cây và rau
Theo chuyên gia Matt Mazzino, chúng ta cần một lượng trái cây và rau phù hợp trong chế độ ăn uống để hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Trái cây và rau củ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, và những hợp chất này rất cần thiết để hỗ trợ các phản ứng cho hệ thống miễn dịch của bạn và chống lại nhiễm trùng. Trái cây và rau củ cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan, thực sự hữu ích cho khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ông Matt Mazzino cho biết: “Chất xơ hòa tan là thức ăn cho vi khuẩn sống trong ruột của chúng ta, và một hệ vi sinh vật khỏe mạnh sẽ hỗ trợ hệ thống miễn dịch để nó có thể chống lại nhiễm trùng một cách hiệu quả”.
Thiếu vitamin D
Vitamin D là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất để hỗ trợ một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bởi vì các đặc tính chống viêm của nó được biết là giúp tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch.
Nếu bạn làm việc ở nhà cả ngày và không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều như bạn muốn hoặc nếu bạn đang ở giữa mùa mưa, bạn có thể cân nhắc việc bổ sung vitamin D từ thực phẩm chức năng để tăng cường khả năng miễn dịch. Nhưng hãy nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc bổ sung trong chế độ ăn uống của bạn./.
Theo Lương Trâm/vov.vn
https://vov.vn/suc-khoe/nhung-thoi-quen-an-uong-lam-suy-giam-kha-nang-mien-dich-cua-co-the-886599.vov
Nguồn: Báo lao động thủ đô