Tổng hợp các sáng kiến quản lý rác thải nhựa hiện đại trên thế giới

Tổng hợp các sáng kiến quản lý rác thải nhựa hiện đại trên thế giới

MTĐT –  Thứ sáu, 18/11/2022 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước vấn nạn về rác thải nhựa mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang gồng mình để chiến đấu, những quốc gia đi đầu trong việc tái chế rác thải nhựa đã có những sáng kiến trong quản lý và công nghệ tái chế rác thải nhựa hiện đại của riêng mình.

1. Thuỵ Điển – 99% rác thải được tái chế

tm-img-alt

Thuỵ Điển được biết đến là một trong những quốc gia phát triển bền vững hàng đầu thế giới, với mục tiêu hướng tới một xã hội không rác thải. Tại đây, rất nhiều rác thải được ứng dụng công nghệ xử lý rác thải nhựa bằng cách tái chế và sử dụng cho các mục đích khác nhau như khí sinh học và năng lượng. Thuỵ Điển thực tế đã quan tâm đến môi trường từ rất lâu, tiến bộ hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới, thậm chí là các nước Liên minh Châu Âu (EU). Vào năm 1991, Thuỵ Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch, trong đó phải kể đến điện năng tiêu thụ ở Thuỵ Điển có tới khoảng 50% từ năng lượng tái tạo.

Trong nhiều năm liền đi đầu ở khâu tái chế, hiện nay Thuỵ Điển trở thành quốc gia nhập khẩu rác thải, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn rác thải mỗi năm. Kể từ năm 2011, không tới 1% các hộ gia đình Thuỵ Điển mang rác thải ra bãi (theo Independent).

Hơn 99% tổng lượng rác thải từ các hộ gia đình tại Thuỵ Điển này đều đã được tái chế bằng nhiều cách khác nhau. So với năm 1975, chỉ có khoảng 38% lượng rác thải được tái chế, nhưng ở thời điểm hiện tại con số này đạt đến gần 100% nhờ cuộc cách mạng tái chế rác thải trong suốt thời gian vừa qua.

Tại quốc gia này, một chính sách về tái sử dụng toàn quốc được tiến hành rất đồng bộ, chặt chẽ. Do đó, các công ty tư nhân cũng tham gia vào nhập khẩu và đốt rác để cung cấp năng lượng cùng một mạng lưới sưởi ấm quốc gia dành cho mùa đông lạnh giá tại nơi đây.

2. Áo – dùng enzyme để tái chế nhựa PET

tm-img-alt

Áo là quốc gia nhỏ bé nhưng đã làm được những điều to lớn trong việc xử lý rác thải. Nổi bật nhất trong công nghệ xử lý rác thải nhựa phải nhắc đến là công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET của Áo. Khi trên thế giới hiện đang phải đau đầu vì rác thải nhựa với giải pháp tái chế là đốt hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém. Thì tại Áo, một công ty đã phát triển giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzyme từ một loại nấm để tái chế nhựa PET.

Enzyme từ nấm sẽ làm PET phân huỷ thành phân tử, sau đó các phân tử này trải qua quy trình tái chế nghiêm ngặt để chuyển thành nhựa chất lượng cao. Phương pháp này của Áo được các chuyên gia môi trường quốc tế đánh giá cao, đã làm thay đổi bộ mặt môi trường của quốc gia này. Nhờ vào việc phát hiện ra loại enzyme “ăn nhựa” đặc biệt này, các nhà quản lý môi trường có thêm một lựa chọn hiệu quả để tái chế nhựa PET, thay vì cách đốt hoặc nghiền nhỏ rác thải gây hại môi trường như trước.

3. Na Uy – 97% chai nhựa được tái chế

tm-img-alt

Với tỷ lệ tái chế lên đến 97%, Na Uy hiện là nước đi đầu các nước thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, vượt trên cả Pháp và Anh – hai nước hiện đang có tỷ lệ tái chế rác thải nhựa là 60%.

92% chai nhựa sản xuất tại Na Uy được làm từ vật liệu nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục dùng để đựng nước uống. Loại nhựa bắt buộc phải thải ra môi trường vì không thể tái chế được, chỉ có chưa đến 1%. Do vậy, vòng đời của một số chai nhựa ở Na Uy có thể tái chế đến 50 lần. Điều này đã biến Na Uy trở thành hình mẫu của cá thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bí quyết giúp quốc gia này có được bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là áp dụng đồng bộ và rộng rãi một hệ thống “đặt cọc”. Khi người tiêu dùng mua các loại nước đóng chai, họ sẽ phải trả tiền cho cả chiếc chai nhựa, một khoản tương đương từ 3.000 – 7.000 VNĐ.

Nhưng không chỉ có người tiêu dùng phải thực hiện giải quyết vấn đề môi trường, cả chính phủ Na Uy cũng đang nhắm mục tiêu giải quyết vấn đề này. Các sản phẩm nhựa ở Na Uy đang bị đánh thuế.  Để có thể kêu gọi sự chung tay của cả ngành công nghiệp, chính phủ quốc gia này đã sẵn sàng miễn hoàn toàn thuế này cho tất cả các doanh nghiệp, nếu tỷ lệ tái chế trên toàn quốc đạt trên 95% – một con số nghe như hoàn toàn không thể xảy ra, nhưng đối với công nghệ xử lý rác thải nhựa tại đất nước Bắc Âu lại đang đạt được con số liên tiếp bảy năm trở lại đây.

4. Đức – rác là cơ hội kinh doanh

tm-img-alt

Vấn đề xử lý rác tại Đức rất được quan tâm, đặc biệt là rác thải nhựa từ lâu đã khiến chính phủ Đức phải dành sự quan tâm nhất định. Hiện nay, Đức gần như đứng đầu Châu Âu về công nghệ xử lý rác thải nhựa. Hầu như họ dùng rất ít nhựa nguyên sinh, đó là những chất tái chế từ các hạt nhựa thành phẩm của dầu mỏ và được dùng lần đầu.

Những năm gần đây, chính phủ Đức đã đưa ra những thông tin và yêu cầu các siêu thị phải cung cấp các loại túi thân thiện với môi trường hơn (chẳng hạn như túi giấy), hoặc nếu khách hàng yêu cầu có túi nilon, họ phải trả tiền chứ không được miễn phí sử dụng như trước đây. Cũng chính vì điều này, lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị đã giảm đi đáng kể. Người dân đã thay túi nilon bằng những loại túi dùng nhiều lần hoặc mang túi vải để không phải mất tiền mua túi nilon.

Cùng với đó, Đức cũng có chính sách tốt và đồng bộ đối với việc sử dụng vật liệu đóng gói và chai nhựa được tái chế và được sử dụng nhiều lần. Quốc gia này đã đưa ra chế độ khi mua một món đồ uống đựng trong chai nhựa thì người mua sẽ phải trả thêm tiền chai nhựa, điều này nhằm khuyến khích khách hàng sau khi sử dụng xong thì có động lực đem trả lại chai cho siêu thị để lấy lại tiền. Hiện nay, Đức cũng đang phấn đấu là 98% số chai đựng chất lỏng bán trong các siêu thị đều sẽ được tái chế, tái sử dụng.

Một sáng kiến của Đức về tái chế rác được nhiều quốc gia liên minh Châu Âu học hỏi theo, đó là nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc hạn chế lượng rác thải. Theo đó, các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả tiền để có thể có được Green Dot (Điểm xanh) in trên bao bì sản phẩm. Nếu lượng bao bì sản xuất càng nhiều, doanh nghiệp sẽ phải trả càng nhiều chi phí. Để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng ít giấy hơn, thuỷ tinh mỏng hơn và hạn chế kim loại, chính vì vậy lượng rác thải ra môi trường cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Mới đây, bộ môi trường Đức cũng đã công bố một kế hoạch giảm rác thải nhựa bằng 05 biện pháp cụ thể là: hạn chế bao bì, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, xây dựng thêm trạm tái chế rác, ngăn chặn nhựa vào chất hữu cơ, giảm thải nhựa ra biển.

5. Bỉ – trên 80% rác thải được tái chế

tm-img-alt

Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải cao trên thế giới, luôn trên 80%. Trong tổng số 183.000 tấn chất thải thu được từ các hộ gia đình mỗi năm, 9 nhà máy tái chế của Bỉ xử lý khoảng 157.000 tấn nhựa, kim loại và tái chế khoảng 132.000 tấn (84%) bao bì nhựa.  Tài nguyên của họ được vận dụng triệt để và dường như được tái sử dụng mãi mãi.

Bỉ sử dụng hai quy trình quản lý rác thải tại nguồn cực kỳ tiên tiến có tên gọi là: Ecolizer và Sự kiện xanh.

Ecolizer là hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, giúp các nhà sản xuất tính toán tác động của sản phẩm đối với môi trường ngay ở khâu thiết kế. Hệ thống tính toán quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng, năng lượng và xử lý chất thải, giúp các nhà sản có thể đánh giá tác động môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra.

Từ những đánh giá đó, sẽ tiến hành đề xuất các cải tiến trong quy trình và trong khâu thiết kế sản phẩm làm giảm tác động xấu đến môi trường nhất có thể.

Tương tự như Ecolizer, Sự kiện xanh cũng là hệ thống quản lý trên web, nhưng đây là web dành cho sự kiện. Hệ thống này giúp đánh giá lượng rác thải mà các nhà tổ chức sự kiện có thể gây ra trong sự kiện, đồng thời cũng đưa ra những cách thức để giảm thiểu rác thải trong sự kiện, thậm chí có cả danh sách những nơi cho thuê dao kéo tái sử dụng.

Tại Bỉ, họ làm mọi thứ để giảm thiểu rác thải từ những giai đoạn đầu tiên và công nghệ xử lý rác thải nhựa, quản lý rác thải tại đây cũng đáng để các quốc gia khác học hỏi .

6. Nhật Bản – chỉ có 1% rác thải ra môi trường

tm-img-alt

Theo báo cáo của Waste Atlas, người Nhật thải ra môi trường gần 350kg rác thải/người/năm, và quốc gia này tạo ra khoảng 45 triệu tấn rác, đứng thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn lấp rác, Nhật Bản đã tiến hành giải pháp đốt rác thải.

So với các nước Châu Âu, Nhật Bản không phải là quốc gia đi đầu về tái chế rác thải, nhưng họ là quốc gia đi đầu trong việc phân loại rác và xử lý hiệu quả. Điều này bắt nguồn từ ý thức, trách nhiệm phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định của người dân, phù hợp với công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi (CFB) của Nhật Bản.

Quốc gia này sử dụng đốt bằng tầng sôi – phương pháp hiệu quả để đốt những vật liệu khó cháy. Công nghệ này xử lý rác thải bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lượng khí trong quá trình nung lò, cùng một số hoá chất khác để tiêu huỷ rác. Rác phía bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian nhanh chóng.

Công nghệ này còn có một ưu điểm vượt trội là giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi đáng kể, và lượng nhiệt sau khi đốt rác được sử dụng để sản xuất điện.

Được biết, 20,8% tổng lượng rác thải hằng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các loại chai nhựa tổng hợp PET – đây là vật liệu được sử dụng phổ biến để sản xuất chai đựng nước uống trong các máy bán hàng tự động và các cửa hàng tạp hoá trên khắp đất nước Nhật. Nhiều công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai PET cũ để sản xuất ra sản phẩm mới. Chai lọ PET chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa…công nghệ xử lý rác thải nhựa nơi này đã mang đến nguồn thu nhập mới từ việc tái chế nhựa thành sản phẩm mới.

7. Nga – công nghệ biến rác thải thành xăng dầu

tm-img-alt

Các nhà khoa học thuộc miền Trung tại Nga đã nghiên cứu ra cách tái chế nhựa, bằng cách ứng dụng công nghệ cao để đưa rác thải thành nguyên liệu nền để thu được nguyên liệu xăng, dầu và than bán cốc.

Người nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí để tiến hành tái chế rác thải nhựa. Khi các vật liệu tái chế được đốt nóng đến một nhiệt độ nhất định, các liên kết bị phá vỡ và chuyển sang dạng khí. Khí này được làm lạnh, ngưng tụ thành chất lỏng dầu, sau đó sẽ thu được xăng dầu. Phần chất rắn kết tinh lại trong quá trình nhiệt phân là than chất lượng cao – được gọi là than bán cốc.

Trong quá trình ngưng tụ, khí không xử lý hết sẽ được dẫn ra ngoài và quay vòng trở lại để làm nhiên liệu đốt cho nhà máy xử lý rác mà không cần dùng đến điện hay nguồn năng lượng khác. Theo các chuyên gia nghiên cứu cho biết, ưu điểm của phương pháp này là không thải ra môi trường những chất gây hại. Do vậy, đây được xem là công nghệ xử lý rác thải nhựa thân thiện với môi trường.

Như vậy, qua những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tái chế rác thải cũng như công nghệ xử lý rác thải nhựa đã chia sẻ trong bài viết, chúng ta có thể nhận thấy rằng điểm chung lớn nhất của những quốc gia này là có ý thức phân loại, đổ rác đúng nơi quy định. Đây là một đặc điểm quan trọng trong quá trình xử lý rác thải.

So với các công nghệ của Châu Âu thì Việt Nam có vẻ còn khá xa để có thể theo kịp, khả thi nhất để theo đuổi hiện nay là công nghệ đốt rác thải của Nhật Bản. Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản để giảm thiểu lượng rác chôn lấp khi rác thải ngày càng tăng như hiện nay.

Tái chế rác thải vẫn còn là vấn đề nan giải của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ ô nhiễm rác thải nhựa trên biển của Việt Nam đang đứng thứ 4 – một trong những top đầu gây ô nhiễm biển. Có lẽ đất nước chúng ta còn phải học hỏi thêm rất nhiều những công nghệ, những kế hoạch nâng cao chất lượng môi trường cũng như ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các quốc gia này.

Lâm Hà

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích