Brazil cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng Amazon

Brazil cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng Amazon

MTĐT –  Thứ sáu, 18/11/2022 09:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổng thống mới đắc cử của Brazil khẳng định tình trạng tàn phá rừng Amazon cần phải chấm dứt ngay lập tức và chính phủ mới sẽ đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm môi trường

Mới đây, Tổng thống đắc cử của Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc COP27 rằng ông sẽ trấn áp nạn phá rừng bất hợp pháp ở Amazon và khôi phục mối liên kết với các quốc gia tài trợ cho các nỗ lực bảo vệ rừng. Ông cũng sẽ thúc đẩy tổ chức một cuộc họp về khí hậu thế giới sắp tới trong rừng nhiệt đới.

Trong hai lần xuất hiện, ông da Silva đã đưa ra tầm nhìn quản lý khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, yếu tố quan trọng để chống biến đổi khí hậu, hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Tổng thống Jair Bolsonaro, người giám sát một số vụ phá rừng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông da Silva nói: “Sẽ không có an ninh khí hậu nếu Amazon không được bảo vệ”, đồng thời cho biết thêm rằng mọi tội phạm trong rừng, từ khai thác gỗ trái phép đến khai thác mỏ, sẽ bị trấn áp không ngừng.

Tổng thống đắc cử Brazil cũng nhấn mạnh cam kết thành lập một Bộ của các dân tộc thổ dân, vốn là những người phải chịu đựng nhiều nhất những tác động của tình trạng tàn phá rừng và các loại tội phạm môi trường khác, để chính họ là những người đưa ra những đề xuất với chính phủ về những chính sách bảo vệ những khu vực mà họ sinh sống.

tm-img-alt
Một khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Altamira, bang Para (Brazil), hồi năm 2019 (Nguồn: Reuters)

Các tổng thống Brazil có nhiều quyền hạn trong việc giám sát và điều tiết Amazon. Cảnh sát liên bang làm việc trên khắp Brazil, kể cả ở các bang có diện tích rừng lớn và lực lượng vũ trang cũng có thể được triển khai.

Ông Bolsonaro, người đã thúc đẩy sự phát triển cả trong chính sách và lời hùng biện ủng hộ doanh nghiệp của mình, đã thực hiện một số động thái làm suy yếu các biện pháp bảo vệ môi trường. 3 năm đầu tiên dưới thời của Tổng thống Jair Bolsonaro diện tích rừng Amazon bị tàn phá đã tăng tới 73%.

Những điều này bao gồm việc bổ nhiệm những người quản lý rừng từ lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, phản đối việc thành lập các khu vực được bảo vệ như lãnh thổ của người bản địa và thúc đẩy hợp pháp hóa việc cướp đất.

Theo số liệu được thống kê, nhiều chuyên gia Brazil đã lập luận rằng những thay đổi đó đã mở đường cho tội phạm lan rộng: diện tích rừng bị phá ở Amazon của Brazil đạt mức cao nhất trong 15 năm từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021.

Sự xuất hiện tại COP27 của ông da Silva, người đã có một sự trở lại chính trị phi thường sau khi bị kết tội tham nhũng và ngồi tù, đã mang lại sức nặng cả về biểu tượng lẫn thực tế cho các cuộc thảo luận nhằm giảm lượng khí thải và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Đó là bởi vì ông da Silva đã giám sát việc giảm đáng kể nạn phá rừng trong thời gian làm tổng thống trước đó từ năm 2003 đến 2010.

Ông Lula da Silva cũng bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường liên minh giữa Brazil, Congo và Indonesia, ba quốc gia sở hữu tới 53% diện tích rừng nhiệt đới trên trái đất, để cùng nhau tìm kiếm cơ chế tài trợ bền vững cho các chương trình bảo vệ thiên nhiên.

Ngoài ra, Brazil cũng có ý định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa các nước vùng Amazon để có thể thảo luận về sự phát triển của vùng này với sự hội nhập xã hội và trách nhiệm đối với môi trường.

Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải đi đôi với đấu tranh chống bất bình đẳng và nghèo đói và trên cơ sở đó ông sẽ đề xuất thành lập một “liên minh toàn cầu vì an ninh lương thực” để chấm dứt đói nghèo vì tương lai của hành tinh.

Ông Lula da Silva cũng yêu cầu các nước phát triển nhất phải hoàn thành lời hứa đã đưa ra từ hội nghị COP15 năm 2009 khi cam kết huy động khoảng 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Rừng nhiệt đới Amazon, bao phủ một phần của một số quốc gia ở Nam Mỹ, chống lại biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide.

Đây cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật và thực vật độc đáo nhất hành tinh, cùng với các bộ lạc đã sống trong rừng hàng nghìn năm.

Hải Sơn (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích