Cấp nước sạch đô thị, khu công nghiệp: Hoàn thiện pháp luật để đảm bảo nguồn cung

(Xây dựng) – Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên cả nước diễn ra rất nhanh, trong khi việc đầu tư phát triển hệ thống cung cấp nước sạch tại các khu đô thị, khu công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến lúc cần phải hoàn thiện, bổ sung các quy định mới để đảm bảo hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Cấp nước sạch đô thị, khu công nghiệp: Hoàn thiện pháp luật để đảm bảo nguồn cung
Đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp (Ảnh: H.Hà).

Thực trạng cấp nước sạch

Số liệu tổng hợp mới đây cho thấy, cả nước có khoảng 750 nhà máy nước sạch đô thị với tổng công suất đạt khoảng 11,6 triệu m3/ngđ (tăng 3,2 triệu m3/ngđ so với năm 2015), tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch chỉ còn 17% (đã giảm 8% so với năm 2015). Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 92%. Các nhà máy nước khai thác sử dụng nguồn nước mặt chiếm khoảng 70-80% tổng nguồn nước.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay tổng chiều dài đường ống truyền tải và phân phối nước toàn quốc vào khoảng 25.000 km. Trong đó có tới 30% đã được lắp đặt trên 30 năm chưa được sửa chữa thay thế. Nhiều đường ống vẫn tiếp tục xuống cấp và hư hỏng.

Trong khi đó tại các khu vực nông thôn đã xây dựng trên 16.342 công trình, cấp nước sinh hoạt cho hơn 28 triệu người (khoảng 43,5% dân số nông thôn). Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 87,5% (trong đó gần 49% sử dụng nước đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT, với khoảng 43,5% dân số nông thôn được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung).

Số công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động chiếm 28,7%, chủ yếu là công trình cấp nước có quy mô nhỏ công suất dưới 50m3/ngày đêm, đã ảnh hưởng khoảng 800.000 người, chiếm gần 2% dân số nông thôn.

Tại các đô thị lớn, công tác quản lý mạng lưới đường ống cấp nước đã được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt thiết bị kiểm soát áp lực, chất lượng nước, điều khiển hệ thống van phân vùng cấp nước; thực hiện dò tìm rò rỉ và cải tạo, thay thế các tuyến ống cũ.

Mặc dù được quan tâm, nhưng do việc đầu tư các tuyến ống cấp nước qua nhiều giai đoạn, nhiều tuyến ống cũ chất lượng kém (ống thép mạ kẽm, ống PVC cũ rò rỉ, không đạt độ dày quy định…) chưa được cải tạo, thay thế; việc quản lý áp lực, lưu lượng, khắc phục rò rỉ, súc xả đường ống định kỳ và kiểm soát chất lượng nước trên mạng đường ống cấp nước tại nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chưa tuân thủ quy trình quản lý nghiêm ngặt.

Chất lượng nước sạch tại các nhà máy đạt quy chuẩn nhưng khi qua hệ thống đường ống dẫn nước thường bị ô nhiễm về chỉ tiêu vi sinh, clo dư, độ đục và hàm lượng cặn; việc mất nước cục bộ, áp lực nước yếu vẫn thường xuyên xảy ra tại hầu hết các đô thị, khu vực nông thôn trên toàn quốc.

Với chất lượng dịch vụ cấp nước chưa cao, nên người dân vẫn phải đầu tư xây dựng bể chứa nước gia đình gây tốn kém, mất mỹ quan, kiến trúc đô thị và chưa thể uống nước trực tiếp tại vòi (trên mạng đường ống cấp nước và trong các hộ dân), vẫn phải “ăn chín, uống sôi” theo truyền thống.

Các khu đô thị mới, khu chung cư đều được đầu tư bể chứa và trạm bơm tăng áp. Tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật và năng lực của ban quản lý khu đô thị, chung cư về cấp nước còn hạn chế, chất lượng nước nhiều nơi không đạt các chỉ tiêu vi sinh và clo dư.

Cần ban hành Nghị định mới

Những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch luôn được bổ sung, hoàn thiện trong nhiều luật như: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,…Và công tác sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch tuân thủ theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP. Với 04 lần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của xã hội, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP đã kịp thời góp phần bảo đảm việc cung cấp nước sạch ổn định, an toàn.

Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao rà soát, nghiên cứu xây dựng Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP (tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020). Trong đó tập trung vào các nội dung: bảo đảm an ninh, an toàn sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn nước, nhà máy sản xuất, mạng lưới truyền tải và phân phối nước; hợp đồng cung cấp dịch vụ cấp nước sạch, hợp đồng dịch vụ cấp nước và thủ tục đấu nối nước sạch; rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm soát việc bảo đảm an toàn nguồn nước, công trình cấp nước trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư cấp nước.

Quá trình Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá đã chỉ rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra cần sớm điều chỉnh. Ngay hoạt động kinh doanh nước sạch (nước sinh hoạt) là loại hình kinh doanh có điều kiện, ngoài ra dịch vụ cấp nước đô thị không phải là dịch vụ, sản phẩm công ích theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Chính vì vậy, phải quy định điều kiện kinh doanh nước sạch góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực cấp nước.

Việc lựa chọn nguồn nước bền vững (chất lượng tốt và lưu lượng ổn định theo thời gian) có vai trò quyết định đối với sự bền vững hệ thống cấp nước, do đó định hướng phát triển công trình cấp nước quy mô vùng liên tỉnh, liên huyện, liên xã và không phân biệt ranh giới đô thị, nông thôn có xu hướng phát triển và cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư xây dựng trong giai đoạn tới.

Trong các quy định hiện nay, thì việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại các địa phương được giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại một số địa phương, công tác này đã được giao thống nhất về một đầu mối (như Sở Xây dựng Hà Nội). Hay thậm chí, một số tỉnh đã giao cho công ty cấp nước đô thị cấp nước cho khu vực nông thôn (như Tổng Công ty TNHH MTV Cấp nước Sài Gòn đã quản lý cấp nước nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh). Chính vì vậy, cần phải có quy định thống nhất về một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch trên địa bàn.

Như vậy, việc ban hành Nghị định mới để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, giải quyết những vấn đề không phù hợp với thực tiễn tác động đến việc bảo đảm nguồn nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước là hết sức cần thiết.

Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Nghị định mới sẽ cụ thể hóa một số nội dung các luật hiện hành (như Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thủy lợi năm 2017, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Xây dựng năm 2014…), đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, sẽ khắc phục những vấn đề không phù hợp thực tiễn, gây ra vướng mắc, bất cập tác động đến việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội.

Dựa trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, những hạn chế và yêu cầu thực tế phát sinh, Nghị định mới thay thế Nghị định số 117/2007/NĐ-CP sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính về: Thẩm quyền lựa chọn đơn vị cấp nước đối với công trình có phạm vi cấp nước trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên. Hay sẽ quy định rõ thẩm quyền quyết định vùng phục vụ cấp nước và cụ thể việc điều chỉnh vùng phục vụ cấp nước; bổ sung quy định điều kiện kinh doanh nước sạch.

Cấp nước sạch đô thị, khu công nghiệp: Hoàn thiện pháp luật để đảm bảo nguồn cung
Hoàn thiện pháp luật để đẩy mạnh việc xã hội hóa cấp nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp (Ảnh: H.Hà).

Trong Nghị định mới cũng sẽ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch để phù hợp với Luật Giá hiện hành. Ngoài ra, quy định trách nhiệm, thẩm quyền và quy trình lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn. Mặt khác, trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đảm bảo quản lý thống nhất, đồng bộ và cấp nước không phân biệt địa giới hành chính cũng sẽ được bổ sung.

Bộ Xây dựng luôn xác định việc cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và hướng tới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người và phát triển bền vững.

Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050:

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định; các khu công nghiệp được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng.

Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích