Dòng tiền đổ vào chứng khoán, nhiều ông chủ mở hầu bao
Dòng tiền bắt đáy đang đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh giá nhiều cổ phiếu lớn nhỏ giảm sâu, mất 50-90% và được cho là rẻ hơn cả vào thời kỳ diễn ra cuộc khủng hoảng 2008 hay Covid-19.
Ngân hàng VIB (VIBank) vừa công bố thông tin cho biết, ông Trần Nhất Minh – Phó Tổng Giám đốc VIBank – đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu VIB trong khoảng thời gian 21/11-20/12, với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.
Trước đó, hôm 14/11, ông Hồ Vân Long, một Phó Tổng Giám đốc khác kiêm Giám đốc tài chính của VIBank, cũng đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu VIB.
Hai lãnh đạo của VIBank đăng ký mua cổ phiếu VIB trong bối cảnh ngân hàng này trình kế hoạch chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao. VIBank báo lợi nhuận trong quý III tăng mạnh và cổ phiếu VIB xuống mức thấp nhất trong năm 2022.
Với mức giá 18.000 đồng/cp như hiện tại, hai lãnh đạo VIB có thể phải bỏ ra khoảng 63 tỷ đồng.
Hoạt động “bắt đáy” của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp diễn ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong năm qua. (Nguồn: TradingView) |
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp gần đây đăng ký mua một lượng lớn cổ phiếu khi áp lực bán tháo, bán giải chấp,… khiến giá cổ phiếu liên tục lao dốc, về vùng định giá rẻ hiếm có trong lịch sử nhiều năm nay.
Sau khi cổ phiếu Hóa chất Đức Giang (DGC) giảm 62%, từ gần 140.000 đồng/cp hồi giữa tháng 6 về mức 53.200 đồng/cp hôm 15/11, Chủ tịch Đào Hữu Huyền đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu DGC trong khoảng thời gian từ 17/11-16/12 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,38%. Vốn hóa Hóa chất Đức Giang bốc hơi khoảng 1,2 tỷ USD trong gần 5 tháng qua.
Thông tin từ Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã mua thành công 500.000 cổ phiếu MWG, nâng sở hữu lên hơn 11,1 triệu đơn vị. Amersham Industries Limited mua 9,25 triệu cổ phiếu Nhà Khang Điền (KDH); Vietnam Enterprise Investments Limited mua 9,75 triệu cổ phiếu KDH. Vietnam Equity Fund đã mua 1 triệu cổ phiếu Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD),…
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (DXG), mua thành công 15 triệu cổ phiếu DXG.
Bà Trần Ngọc Diệu, Phó TGĐ Thép Nam Kim (NKG) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu NKG. Vợ Chủ tịch HĐQT Camimex Group (CMX) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu CMX. Chủ tịch Đầu tư Nam Long (NLG) và con trai đăng ký mua tổng 2,7 triệu cổ phiếu NLG,…
Chủ tịch Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC trong khoảng thời gian từ ngày 15/11 tới ngày 14/12, với tổng giá trị khoảng 370-400 tỷ đồng.
Trong bối cảnh TTCK giảm sâu, khối các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng khoảng 6.800 tỷ đồng cổ phiếu Việt trong nửa đầu tháng 11. Khối ngoại đẩy mạnh mua nhiều cổ phiếu ngân hàng.
Khối ngoại mua ròng mạnh trong nửa đầu tháng 11/2022. (Biểu đồ: M. Hà) |
Hoạt động mua/đăng ký mua cổ phiếu của thành viên HĐQT, lãnh đạo và những người liên quan tại các doanh nghiệp niêm yết cũng như các tổ chức trong và ngoài nước diễn ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam giảm mạnh nhiều nhất trong khu vực, dù tình hình kinh tế vĩ mô khá tích cực so với các nước khác. GDP tăng trưởng cao, lạm phát ở mức tương đối thấp, trong khi đó tỷ giá USD/VND đang ổn định trở lại và đồng USD có xu hướng quay đầu giảm nhanh.
Trong phiên 16/11, chỉ số VN-Index đảo chiều tăng 31 điểm vào cuối phiên sau khi đã giảm hơn 38 điểm, xuống gần 870 điểm trong buổi sáng.
Theo Chứng khoán CSI, phiên đảo chiều tích cực đã mang lại làn gió mới cho TTCK. Dòng tiền nhập cuộc nhanh khi áp lực bán giải chấp được giải tỏa. Khối lượng khớp lệnh hôm 16/11 cao nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, đây là những tín hiệu đầu tiên. Đợt sụt giảm vừa qua được xem là chỉ báo về một số vấn đề mà thị trường tài chính phải đối mặt.
Trên thế giới, chứng khoán Mỹ gần đây tăng điểm nhờ kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc thắt chặt tiền tệ sau khi lạm phát có tín hiệu đạt đỉnh. Chứng khoán Trung Quốc tăng vọt sau khi chính quyền Bắc Kinh có nhiều thay đổi về chính sách y tế và bất động sản.
Nguồn: Báo xây dựng