Thị trường nhà đất kém thanh khoản, nhà đầu tư chưa vội “bắt đáy”
(TN&MT) – Thị trường nhà đất rơi vào tình trạng kém thanh khoản, tuy vậy, đối với nhiều nhà đầu tư (NĐT), đây vẫn chưa phải là thời điểm “bắt đáy”. Nhiều NĐT vẫn chọn phương án giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm, chờ bất động sản (BĐS) xuất hiện vùng trũng giá giảm sâu mới xuống tiền mua.
Theo các chuyên gia BĐS, thời gian gần đây, thị trường BĐS tại khu vực phía Nam gần như “đóng băng”, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân do các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ, lãi suất ngân hàng liên tục có xu hướng tăng cao khiến NĐT chùn tay. Nhiều chủ nhà đất dù giảm giá nhưng cũng khó có thể tìm được người mua. Không ít môi giới BĐS ở nhiều khu vực cũng phải thừa nhận, thị trường hiện đang có nhiều người giảm giá bán, nhưng rất hiếm người mua.
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, làn sóng xả hàng, giảm giá năm 2022 chỉ mới ở thời kỳ đầu, năm 2023 dự kiến các khó khăn tài chính có thể trở nên nặng nề hơn và các NĐT dùng đòn bẩy tài chính mất khả năng thanh toán sẽ phải giảm giá BĐS để tái cơ cấu danh mục. Năm 2023 có thể là giai đoạn nhiều NĐT phòng thủ, giữ tiền mặt nhiều hơn để chờ cơ hội săn hàng giá tốt.
Theo báo cáo thị trường BĐS quý 3/2022 của các công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, thanh khoản toàn thị trường BĐS kém, có nhiều phân khúc BĐS đã giảm giá. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, do giá BĐS chững lại nên một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay,… để có thể “hâm nóng” thị trường ở những tháng còn lại của năm 2022. Song, chưa có dấu hiệu khả quan.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, lực cầu chủ yếu tới từ nhu cầu thực, còn các nhu cầu đầu tư đã dè dặt hơn vì yếu tố giá cả. Theo đó, thanh khoản sụt giảm so với giai đoạn trước và biến động giá BĐS trong quý 3 cũng đã có dấu hiệu chững lại. Nhằm kích cầu thanh khoản, các chủ đầu tư đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, thị trường đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi nhiều chủ đầu tư đang phải ngưng triển khai dự án vì thiếu vốn. Câu chuyện dòng vốn cũng khiến thanh khoản của thị trường giảm mạnh khi tiền đổ vào BĐS đang gặp rất nhiều ngăn trở. Kênh huy động trái phiếu và dòng vốn ngân hàng đều bị siết chặt. Huy động vốn từ người mua cũng không còn thuận lợi khi room tín dụng cho vay BĐS hạn chế, lãi suất vay lại tăng cao.
Theo ông Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Thị trường nhà ở CBRE Việt Nam, xu hướng giảm giá, chiết khấu của các NĐT trong giai đoạn thị trường khát vốn sẽ tiếp tục tăng những tháng cuối năm. Thanh khoản năm 2023 vẫn sẽ khó khăn khi chính sách tiền tệ, lạm phát và diễn biến kinh tế thế giới phức tạp.
Hiện tại, thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại, giao dịch rất chậm bởi NĐT rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Vì thế làn sóng “săn đất” cũng đã hạ, nhu cầu mua chững lại đồng nghĩa với giá nhà đất tại các điểm “nóng” cũng đang chuyển sang đi ngang. Thị trường hạ nhiệt, nhiều NĐT đã chờ đợi những đợt bán tháo, giảm giá sâu để “bắt đáy”. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc này cần nghiên cứu kỹ lưỡng và hết sức thận trọng.
Ông Trần Khánh Quang – Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, giữ tiền mặt để dự phòng rủi ro, gửi tiết kiệm với mục đích chủ động nắm bắt cơ hội mua hàng giá tốt là phản ứng bình thường của các NĐT BĐS trong giai đoạn cuối năm 2022, khi các cơn sóng ngầm giảm giá đã dần lộ diện từ tháng 10. Dự báo thị trường BĐS sẽ xuất hiện các vùng trũng, có giá bán hợp lý, pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng tốt có thể phù hợp để đầu tư trong thời gian tới.