Dĩ An – Bình Dương: Báo động nạn xả rác thải bừa bãi tại khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường
Dĩ An – Bình Dương: Báo động nạn xả rác thải bừa bãi tại khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường
Theo dõi MTĐT trên
Tình trạng xả rác sinh hoạt bừa bãi đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại TP Dĩ An (Bình Dương) khi người dân tiện đâu vứt đó như một thói quen khó bỏ. Dù đã có nhiều hình thức và mức xử phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức răn đe
Theo ghi nhận thực tế của PV khi dạo một vòng quanh phường Dĩ An, TP Dĩ An (Bình Dương) là tình trạng các con đường như Trần Quý Cáp, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt và hàng loạt các tuyến đường khác đều biến thành bãi tập kết rác của người dân, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những đống rác thải từ nhỏ đến lớn, những đống rác này có đủ mọi thành phần gồm rác thải sinh hoạt như túi nilon, vỏ lon, bao tải, thùng xốp,…
Nhìn những con đường bị rác thải xâm lấn trông nhem nhuốc, bẩn thỉu, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường nặng nề. Việc này cũng khiến bộ mặt đô thị của thành phố Dĩ An trở nên rất xấu xí, nhếch nhác và kém văn minh.
Tại đây, hầu hết các con đường trên địa bàn phường Dĩ An đều có rác, những bãi rác tự phát nằm vất vưởng trên lề hoặc lòng đường, vỉa hè, ngay ngã tư đường, hàng rào, dưới chân cột điện hoặc những bãi đất trống, thậm chí là ngay bên cạnh thùng rác nhiều người cũng chẳng thèm vứt rác vào đúng chỗ… chỉ cần tiện tay là những người thiếu ý thức lại hồn nhiên vứt rác. Đáng chú ý, rác thải còn làm tắc nghẽn cống thoát nước, gây ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Nhiều khu vực tại khu dân cư, việc xả rác bừa bãi còn xuất hiện ngay cả những nơi có bảng cấm đổ rác.
Tình trạng ứ đọng rác thải, ô nhiễm môi trường tại đây đã trở nên trầm trọng, chỉ cần bước ra đường là chứng kiến nhiều nơi vứt rác bẩn bừa bãi, những khu để rác ngồn ngộn bốc mùi, chảy nước, lem nhem vô cùng mất vệ sinh. Những ai đi ngang qua đây đều phải bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Có lúc, rác thải bay vào người đi đường khi gió mạnh khiến người tham gia giao thông vô cùng khó chịu.
Những bãi rác tự phát dọc các tuyến đường, khu dân cư không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của chính những người dân sinh sống trong khu vực. Rác bị xả bừa bãi liên tục, ngày càng nhiều nếu không được thu dọn sẽ bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước. Người dân chẳng may sử dụng phải nguồn nước này hay sống gần những bãi rác tự phát này sẽ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, đường ruột, bệnh ngoài da…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả rác thải bẩn bữa bãi tại đây là do thói quen và lối sống mang tính cá nhân, thiếu hiểu biết thậm chí là ích kỷ của một số người dân, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của bản thân mình. Họ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch thì được còn ai bẩn mặc ai, những nơi công cộng không phải là của mình, vậy nên không cần phải gìn giữ. Cứ tiện tay ném rác là xong, còn việc xử lý rác thế nào là trách nhiệm của xã hội.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng dẫn đến vấn nạn trên là do các cấp quản lý từ gián tiếp đến trực tiếp tại khu dân cư chưa nghiêm hoặc chưa đủ sức răn đe, vẫn còn thờ ơ, thiếu sự quan tâm, không có những động thái triển khai tuyên truyền, hành động quyết liệt một cách có hệ thống. Ngoài ra, công tác thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập.
Thiết nghĩ, dù rằng ý thức của người dân vẫn là yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Tuy nhiên, song song với công tác tuyên truyền, vận động, phường Dĩ An, TP Dĩ An cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc áp dụng Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để giảm bớt sự nhọc nhằn, vất vả cho lực lượng công nhân môi trường đang bị quá tải công việc, cũng như giảm chi tiêu ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải.
Theo Nghị định 45 các hành vi sẽ bị xử phạt ngay với mức phạt gồm: Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 150.000 – 250.000 đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch… sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.
Ngoài tăng mức phạt tiền, chính quyền cơ sở cần có những biện pháp đủ sức răn đe, chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp vi phạm, tăng cường lắp đặt hệ thống camera ghi nhận tình trạng đổ rác bữa bãi, không đúng nơi quy định. Đồng thời, cần có đội tuần tra, an ninh khu phố thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị