Phổ Yên: Người dân khẩn thiết kêu cứu vì trang trại lợn gây ô nhiễm (Bài 2)
Phổ Yên: Người dân khẩn thiết kêu cứu vì trang trại lợn gây ô nhiễm (Bài 2)
Theo dõi MTĐT trên
“Chỉ là hộ gia đình nuôi lợn đơn lẻ, địa bàn rộng, dân số đông, chúng tôi không kiểm soát được…” là câu trả lời của bà Dương Thị Thúy Hồng – phụ trách địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Thành Công về vấn đề trại lợn gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, ngày 29/10, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có bài phản ánh “Phổ Yên: Người dân khẩn thiết kêu cứu vì trang trại lợn gây ô nhiễm” https://www.moitruongvadothi.vn/thai-nguyen-nguoi-dan-khan-thiet-keu-cuu-vi-trang-trai-lon-gay-o-nhiem-moi-truong-a114032.html từ đơn thư của người dân các thôn Vạn Phú, Hạ Đạt, Ao Sen… gửi Tòa soạn về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí trầm trọng đã tồn tại nhiều năm mà chưa được chính quyền giải quyết.
Theo đó, thực tế hiện trường các điểm cầu Lài, Cầu Dài, xóm Đặt, thôn Vạn Phú, thôn Hạ Đạt, thôn Ao Sen… thuộc địa bàn xã Thành Công,. TP. Phổ Yên chúng tôi đã ghi nhận nhiều điểm rác thải tập kết bừa bãi ở nhiều điểm cạnh bờ kênh mương, trên đường liên thôn, thậm chí rác thải được đóng vào bao, túi, vất thẳng xuống lòng kênh, mương.
Không dừng ở đó, nhiều trang trại lợn quy mô từ vài trăm đến cả nghìn con được xây dựng trong khu dân cư, không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh môi trường, đào ống xả phân và chất thải từ chuồng trại trực tiếp xuống lòng kênh, mương, khiến lòng kênh mương bị thu hẹp, nước sông đặc quánh một màu đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc quanh năm.
Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí đã ở mức báo động và tồn tại nhiều năm nay, người dân xã Thành Công và các xã lân cận đã nhiều lần phản ánh đến các cấp chính quyền, nhưng không có biện pháp nào giải quyết dứt điểm. Ô nhiễm gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Sau hơn 2 tuần liên lạc để đặt lịch làm việc, chiều 15/11, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Dương Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công về nội dung trên. Trong buổi làm việc, ông Liêm ghi nhận phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam là đúng sự thật. Tuy nhiên, theo ông Liêm, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí không thể đánh giá bằng cảm quan và mắt thường được, phải có các công cụ chuyên biệt để đo mức độ ô nhiễm.
Về mặt trách nhiệm từ phía lãnh đạo địa phương, ông Liêm cho hay, hiện tại ông đang tạm thời tiếp nhận vị trí Quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công, trong thời gian ông Đặng Văn Tỵ – Chủ tịch UBND xã Thành Công bị tạm đình chỉ công tác theo quyết định của UBND TP. Phổ Yên để điều tra về trách nhiệm trong sai phạm đất đai, khoáng sản trện địa bàn xã. Ông Liêm chỉ phụ trách mảng Văn hóa, tạm thời thay lãnh đạo xã giải quyết công việc của UBND xã nên ông chưa và không thể phát ngôn về giải pháp khắc phục ô nhiễm từ trang trại lợn.
Gặp công chức “nhiều không nhất”…
Chúng tôi được ông Dương Văn Liêm sắp xếp lịch làm việc với bà Dương Thị Thúy Hồng, công chức phụ trách mảng địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường trên địa bàn xã. Theo sự phân công công tác, tại thời điểm chiều 15/11, bà Hồng là người có đủ chuyên môn và trách nhiệm cung cấp thông tin, trả lời báo chí về vấn đề ô nhiễm đang tồn tại ở địa phương.
Trong buổi làm việc, bà Hồng cho biết, bà tiếp nhận công tác ở bộ phận “một cửa”, đồng thời phụ trách mảng địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, sau quá trình thai sản và nghỉ sau sinh, đến tháng 7/2021, bà Hồng mới quay lại công tác chuyên môn.
Vì lẽ đó, bà Hồng chưa nắm bắt được hết các thông tin về môi trường trên địa bàn. Bà cũng không nhớ người bàn giao công việc cho bà ở nhiệm kỳ trước là ai. “Qua phản ánh của báo chí, chúng tôi tiếp nhận thông tin và có thành lập đoàn kiểm tra, xuống địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi không xả thải và khắc phục ô nhiềm…”, bà Hồng cho hay.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đoàn kiểm tra những gì, khắc phục tình trạng ô nhiễm như thế nào, biên bản buổi làm việc có lưu lại ở xã không. Bà Hồng trả lời, không giữ biên bản, không nhớ xuống làm việc ngày nào, có những ai.
Phóng viên đặt tiếp câu hỏi, sự việc đã tồn tại nhiều năm, báo chí phản ánh, địa phương tiếp nhận, thành lập đoàn kiểm tra mới có vài ngày mà bà đã không nhớ, không lưu báo cáo…, bà Hồng trả lời do “di chứng sau sinh”, tự nhiên quên, lúc sau mới có thể nhớ ra (!?).
Khoảng nửa tiếng làm việc với báo chí, bà Hồng “vô tư” thể hiện nhiều cái “không biết” của một cán bộ chuyên trách về môi trường: Không biết hiện trạng môi trường ô nhiễm vì địa bàn rộng, dân cư đông, không kiểm soát hết; Không biết cụ thể có bao nhiêu trang trại lợn, quy mô bao nhiêu con vì “người khác quản lý về con số”; Không biết người phụ trách môi trường trước nhiệm kỳ của bà là ai… Và, không biết phải giải quyết như thế nào “vì vấn đề nan giải, cần báo cáo lãnh đạo các cấp”.
Quan liêu hay thiếu hiểu biết về Luật bảo vệ môi trường?
Sau buổi làm việc với một công chức có chuyên môn về môi trường, có trọng trách nắm bắt, thông tin, phản ánh, tham mưu các vấn đề về an ninh môi trường theo Luật bảo vệ môi trường, bà Hồng buộc chúng tôi phải đặt ra những câu hỏi: Cấp dưới đã ghi nhận tình hình môi trường trong xã và báo cáo với cấp trên những gì? Các cấp nào nắm được những tồn đọng không chỉ về vấn đề môi trường của từng thôn, xã trên địa bàn xã, huyện? Vấn đề môi trường tồi tệ, mắt thường và khứu giác có thể nhận biết ở mức báo động, tại sao người có chuyên môn, lãnh đạo địa phương lại cho là vấn đề bình thường, chỉ có thể giải quyết “bao nhiêu phần trăm”…???
Khẳng định của bà Hồng về ô nhiễm trang trại lợn là chỉ có các hộ chăn nuôi đơn lẻ. Cán bộ phụ trách chuyên môn và lãnh đạo địa phương chưa kiểm soát hết được vì thiếu thời gian, địa bàn xã lại rộng và đông dân.
Trong khi đó, theo lộ trình thực tế của phóng viên, chỉ mất khoảng 15 phút đi ô tô hoặc xe máy, chúng tôi có thể đến được các điểm ô nhiễm, mục sở thị các bãi rác tự phát, để thấy con sông đặc quánh phân gio, hôi thối nồng nặc.
Ghi nhận lại hiện trạng ô nhiễm trưa ngày 15/11, chúng tôi nhận thấy đã có những dấu hiệu khắc phục như san bằng một vài ổ trâu trên đường vào xóm Đặt, thôn Vạn Phú, phát quang một phần cây cỏ, đốt và vớt rác dưới lòng kênh mương. Nhưng đáng nói, lòng kênh mương đoạn chảy qua xóm Đặt, thôn Vạn Phú vẫn đen đặc, hôi thối.
Thời điểm ghi nhận thực tế, các bãi rác chỉ được đốt sơ sài, rác dưới lòng mương vớt chưa hết. Lòng kênh mương đoạn xóm Đặt phát hiện một bao trắng buộc kín (theo người dân địa phương là xác lợn chết) vứt dưới lòng kênh mương. Những ghi nhận cho thấy, việc thành lập đoàn kiểm tra xuống địa bàn chỉ là biện pháp tạm thời, không phải là giải pháp có định hướng, không giải quyết dứt điểm.
Nguyện vọng của người dân là làm sạch lòng kênh mương, di dời những trang trại lợn quy mô lớn ra khỏi vùng dân cư, chấn chỉnh lại công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Thành Công sẽ còn ách tắc và chưa có hồi kết…
Không nhận được câu trả lời về giải pháp của lãnh đạo xã Thành Công, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục đặt lịch làm việc với Phòng Kinh tế – UBND TP. Phổ Yên để tìm câu trả lời đủ để đáp ứng mong mỏi của người dân.
Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin ./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị