Hà Nội: Phát triển đô thị hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng

(Xây dựng) – Hà Nội luôn xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề chiến lược, phải đi trước một bước, nhằm tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước. Bám sát mục tiêu đó, thời gian qua, các quận, huyện của Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia, từ đó cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và hiện đại hóa, góp phần tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Hà Nội: Phát triển đô thị hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng
Tuyến phố Tây Sơn được đầu tư chỉnh trang đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, định hướng trở thành tuyến phố điểm văn minh đô thị của quận Đống Đa nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung.

Quận Đống Đa: Hướng tới nhân rộng những tuyến phố văn minh

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 05 ngày 30/11/2020 của Quận ủy về “Phát huy mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước đồng bộ, hiện đại; tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự văn minh đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2020 – 2025”. Những năm qua, quận Đống Đa đã đạt nhiều thành tích nổi bật như phát triển hệ thống đường giao thông theo quy hoạch, chỉnh trang đồng bộ hè đường, hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố. Trong đó, rà soát về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thương mại và các yếu tố khác để xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị.

Năm 2022, quận Đống Đa đang tiếp tục tổ chức chỉnh trang 4 tuyến phố trọng điểm khác là Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đặng Văn Ngữ, Trịnh Hoài Đức. Đây đều là những tuyến phố điểm, có mật độ giao thông dày đặc, việc cải tạo, sửa chữa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật là phương án cấp thiết nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đạt được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía Nhân dân.

Ông Trương Minh Quang – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết: Đến nay, quận đã hoàn thành chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông và lát đá hè phần lớn tuyến phố trọng điểm. Sau khi được cải tạo, chỉnh trang đã mang diện mạo đô thị đổi mới, khang trang, văn minh, thông thoáng.

“UBND quận Đống Đa luôn xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi trong chỉnh trang đô thị chính là chỉnh trang, đồng bộ được toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, từ đó mới xây dựng, nhân rộng được nhiều tuyến phố văn minh, nhằm góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng chỉnh trang được là một phần, mà phát huy, giữ gìn được mới là một thách thức lớn trong công tác quản lý của chính quyền” – ông Trương Minh Quang nhấn mạnh.

Hưởng ứng Ngày Đô thị Thế giới và Ngày Đô thị Việt Nam 08/11, giai đoạn tới, quận Đống Đa tiếp tục tổ chức chuẩn bị đầu tư chỉnh trang 8 tuyến đã được thông qua tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Quận là: Ô Chợ Dừa, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Cát Linh, Đào Duy Anh, Hoàng Cầu, Giảng Võ, Nguyễn Như Đổ. Giai đoạn này sẽ từng bước thực hiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, văn minh đô thị, văn minh thương mại và đảm bảo các tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị trong tương lai.

Quận Hoàn Kiếm: Ưu tiên bảo tồn di sản đô thị để phát triển kinh tế – xã hội

Hoàn Kiếm được ví như “trái tim” của Thủ đô, là quận trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch với tổng diện tích là 5,28 km2 (đất tự nhiên là 453,33 ha, mặt nước sông Hồng 75,43 ha). Để tăng cường, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị với các định hướng chính như sau: Đối với khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cũ, quận tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị di sản đô thị, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để phát triển du lịch xây dựng quận Hoàn Kiếm có bản sắc. Đồng thời đẩy mạnh công tác tổ chức lập các đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố chính trong khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cũ – bao gồm cả các quảng trường lớn, không gian công cộng trên địa bàn.

Riêng đối với khu vực ngoài đê sông Hồng, quận tăng cường tổ chức lập quy hoạch, đầu tư cải tạo khu vực ngoài bãi sông Hồng, khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa và du lịch nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, theo định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, không gian xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

Trong những năm tới, quận hướng đến xây dựng đô thị kiểu mẫu, tiến tới đô thị thông minh, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, xứng đáng là quận trung tâm của Thủ đô.

Cụ thể như kiểu mẫu về trật tự đô thị, đảm bảo đường phố sạch sẽ, gọn gàng; không có lấn chiếm hè phố để bán hàng ăn uống ngoài giờ hành chính; không có ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Trên toàn quận sẽ tổ chức lắp đặt hệ thống camera nhằm xử lý các vi phạm trật tự đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý nhà ở và các công trình, quản lý các công trình di tích lịch sử và công trình kiến trúc có giá trị bằng kỹ thuật số…

Quận Hai Bà Trưng: Dẫn đầu xu hướng số hóa trong xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý và thu thập dữ liệu về hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm thực hiện, vì vậy chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trong việc quản lý và bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp. Ngoài ra, việc quản lý đang cơ bản chỉ là thủ tục hành chính, vì vậy khá phức tạp và chưa toàn diện về nhu cầu cần nắm bắt thông tin dữ liệu, cụ thể hóa công tác quản lý chuyên môn.

Hà Nội: Phát triển đô thị hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng
Việc nắm bắt cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp giúp dễ dàng hơn trong công tác quản lý, giải quyết các vấn đề về sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Để đáp ứng được các đòi hỏi bức thiết trên, quận Hai Bà Trưng đã kịp thời thiết lập nền tảng dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị với độ chính xác cao, có tính đồng bộ với quy hoạch đô thị, được cập nhật thường xuyên. Nền tảng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đầy đủ là nền móng quan trọng để cung cấp cho công tác quản lý đô thị cái nhìn tổng quan, kịp thời đưa ra đánh giá, phân tích những ảnh hưởng, tác động của các hoạt động phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, nhằm đề ra các giải pháp, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với thực tiễn, đồng thời có thể giám sát quá trình phát triển đô thị theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Từ đó, chuẩn bị các tiền đề cho chủ trương của Chính phủ và Thành phố về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đề án số 09-ĐA/QU ngày 09/7/2021 của Quận ủy Hai Bà Trưng về “Xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp để phục vụ công tác quản lý, từng bước triển khai đô thị thông minh” ra đời, sẽ là bước tiến tiên phong trong triển khai công nghệ thông tin, số hóa vào nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đầu tiên tại TP Hà Nội.

Đề án chú trọng tập trung vào các nội dung chính như: Tạo lập, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ trên toàn địa bàn quận, tạo nền tảng triển khai chính quyền điện tử và đô thị thông minh theo chủ trương chung của Chính phủ và Thành phố. Thông tin, dữ liệu của các đối tượng được xây dựng đầy đủ, chính xác và có khả năng cập nhật thường xuyên, chia sẻ, dùng chung và có thể tích hợp vào cơ sở dữ liệu của Thành phố. Đảm bảo thông tin được khai thác hiệu quả và phát huy tối đa giá trị của cơ sở dữ liệu; giúp việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng, thuận tiện trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật.

Quận Cầu Giấy: Điểm sáng về phát triển đô thị

Khi mới thành lập, quận Cầu Giấy còn mang nhiều dáng dấp của vùng nông thôn với diện tích nông nghiệp lớn, hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, chưa có quy hoạch. Trình độ năng lực quản lý đô thị còn thấp và không đồng đều nhưng đến nay Cầu Giấy đã là 1 điểm sáng về phát triển đô thị trên địa bàn TP Hà Nội.

Hà Nội: Phát triển đô thị hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng
Quận Cầu Giấy là 1 điểm sáng về phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo có nhiều chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội với xây dựng phát triển đô thị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, nhiều tuyến đường giao thông chính quan trọng được xây dựng mới và hoàn thành có tính chất quyết định cho sự phát triển đô thị của quận. Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thực hiện tập trung, quyết liệt để thực hiện các dự án, nhất là đối với các công trình trọng điểm của Thành phố và quận. Văn hoá – xã hội được phát triển mạnh mẽ và toàn diện, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân được cải thiện và tiếp tục được nâng cao. Công tác giáo dục đào tạo có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng theo hướng chuẩn hóa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Với những kết quả đó, Đảng bộ quận Cầu Giấy giữ vững là đơn vị trong sạch, vững mạnh được Thành ủy khen thưởng “Đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015-2020”.

Trên cơ sở Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Cầu Giấy lần thứ VI, quận Cầu Giấy tiếp tục xác định 3 khâu đột phá là: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đô thị, trọng tâm là quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường; xây dựng quận Cầu Giấy trở thành đô thị văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững.

Quận Long Biên: Đầu tư, khớp nối và hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị

Quận Long Biên có diện tích khoảng 6.038 ha, gồm 14 đơn vị hành chính. Quận Long Biên thuộc Quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6115/QĐ-UBND ngày 21/11/2014; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6).

Hà Nội: Phát triển đô thị hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng
Quận Long Biên đang “lột xác” từng ngày, mang dáng dấp một đô thị sầm uất, hiện đại.

Quận Long Biên hiện nay cơ bản đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị; tỷ lệ cây xanh, hồ nước 8,5 m2/người. Trên địa bàn quận hình thành 5 khu đô thị và 4 trung tâm thương mại lớn, 12 siêu thị, 58 cửa hàng tiện ích, 58 cửa hàng tiện ích, 30 chợ dân sinh, 02 khu vui chơi giải trí.

Để đạt được những kết quả trên, quận đã triển khai 64 dự án từ nguồn quỹ đầu tư phát triển Thành phố với tổng kinh phí 6.850 tỷ đồng; 928 dự án từ nguồn ngân sách quận với tổng kinh phí 8.820 tỷ đồng. Ứng vốn ngân sách quận thực hiện các dự án thuộc nhiệm vụ chi Thành phố 3.829 tỷ đồng để thực hiện 27 dự án. Tạo mọi điều kiện cho 157 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 36.000 tỷ đồng góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đã hoàn thành các dự án: Nút giao trung tâm Quận, Khu đô thị sinh thái Sài Đồng, Khu nhà ở Thạch Bàn Lakeside, Trung tâm Thương mại Aeon, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trường Quốc tế Pháp ngữ… với quy mô trên 200 ha.

Công tác quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo toàn diện với nhiều đề án, phương án cụ thể, thiết thực gắn với chủ đề được phát động hàng năm tạo được sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân. Công tác quản lý nhà chung cư, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đạt hiệu quả rõ nét. Đến nay đã có 03 phường đạt chuẩn văn minh đô thị và 50 tuyến phố đạt tiêu chí văn minh đô thị.

Chia sẻ về định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới, đại diện UBND quận Long Biên cho biết: Quận tập trung một số kế hoạch, cụ thể như: Phối hợp với các Sở, ban, ngành Thành phố đề xuất phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị N10, các quy hoạch chuyên ngành. Xác định các khu vực ưu tiên đầu tư để triển khai lập quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Hoàn thiện quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết 1/500 các ô chức năng. Triển khai thiết kế đô thị, cảnh quan kiến trúc và thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch.

Huy động các nguồn lực trong đầu tư, chú trọng các nguồn vốn tập trung của Thành phố, nguồn vốn từ các cơ chế chính sách và nguồn lực ngoài ngân sách. Tiếp tục đầu tư, khớp nối và hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị. Phối hợp chặt chẽ với các quận huyện lân cận trong đầu tư, khớp nối hạ tầng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích