Hòa bình: Cần quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

(Xây dựng) – Hòa Bình cần phát triển quy hoạch đồng bộ, nhanh chóng nhưng bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường và tận dụng thế mạnh của địa hình, mặt nước, dòng sông, nguồn khoáng nóng quý hiếm và văn hóa dân tộc độc bản.

Hòa bình: Cần quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường
Phát huy tiềm năng, lợi thế

Tỉnh Hòa Bình có diện tích lớn thứ 29/63 tỉnh thành, có vị trí địa lý thuận lợi, khi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, là tỉnh có diện tích lớn nhất trong các tỉnh tiếp giáp với Hà Nội. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hòa Bình nhiều phong cảnh hùng vĩ, những ngọn núi cao quanh năm mây mờ che phủ, những ngọn thác tuôn chảy ngày đêm, hang động kỳ bí, những dòng suối khoáng len lỏi khắp toàn tỉnh, dòng sông Đà hùng vĩ trải dài và lòng hồ sông Đà rộng lớn. Ngoài ra, Hòa Bình còn hấp dẫn bởi các nét văn hóa truyền thống được lưu giữ của các dân tộc đang sinh sống nơi đây như Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Nơi đây là “cái nôi” của nền văn hóa Mường với sử thi “Đẻ đất đẻ nước” truyền từ ngàn đời.

Hòa Bình có lợi thế để trở thành vùng cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, khoảng 250 nghìn ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 150 nghìn ha, rừng trồng khoảng 100 nghìn ha, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn. Hệ thống sông, suối lớn, dồi dào là điểm mạnh để phát triển nguồn thủy sản sạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Hòa Bình có lợi thế “vàng” khi thừa hưởng lợi thế hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ. Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình cho phép rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa Hà Nội – Hòa Bình so với QL6 hiện nay là 20 km, được xem như là “hành lang kinh tế Đông – Tây” giúp thúc đẩy tăng trưởng cho Hòa Bình nói riêng, và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Cả hai tuyến đường này kết nối Hòa Bình với khu đô thị vệ tinh Láng – Hòa Lạc, khu đô thị lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Hà Nội – Hoà Bình – Mộc Châu được chú trọng triển khai, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của Hoà Bình.

Quy hoạch đồng bộ gắn liền bảo vệ môi trường

Dù đạt nhiều thành tựu, quy hoạch hiện tại của tỉnh vẫn chưa thực sự tận dụng được lợi thế về mặt vị trí địa lý khi nằm giáp ranh với thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, để thúc đẩy kinh tế – xã hội nhanh chóng. Tiềm năng sẵn có của tỉnh vẫn chưa được phát huy, đặc biệt là vùng lòng hồ và vùng ven sông Đà, khu vực từ TP Hòa Bình kéo dài theo hướng về thủ đô Hà Nội. Các con đường kết nối vào trung tâm thành phố vẫn chật hẹp, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu giao thông ngày càng tăng của người dân. Trong TP Hòa Bình, còn thiếu công viên vui chơi lớn, xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị để kết nối các yếu tố sông, hồ tới người dân, đưa Hòa Bình thực sự trở thành nơi đáng sống.

Hòa Bình cần phát triển quy hoạch đồng bộ, nhanh chóng nhưng bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường và tận dụng thế mạnh của địa hình, mặt nước, dòng sông, nguồn khoáng nóng quý hiếm và văn hóa dân tộc độc bản. Các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… cần được quan tâm xây dựng. Với lợi thế là vùng đệm của Hà Nội, việc phát triển bất động sản gắn với thiên nhiên, trở thành một ngôi nhà thứ hai (second home) của người dân Thủ đô là một hướng đi tích cực, khi mà việc sở hữu một ngôi nhà ngoại thành để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc đã len lỏi vào suy nghĩ của người Hà Nội từ lâu.

Quy hoạch kiến trúc cần thực hiện với tỷ lệ thấp, chú trọng việc nương tựa vào thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào trong đời sống người dân, với những công viên vui chơi có cây xanh lớn. Quy hoạch lòng hồ và hai bên bờ sông Đà cần được quan tâm chú trọng triển khai đồng bộ, tránh hiện trạng nhỏ lẻ, lộn xộn, manh mún.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích