Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-23/7
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg; mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19; thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Ảnh minh họa |
Giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg
Tại công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 16) đối với các địa phương: Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021.
Chính phủ ban hành Nghị quyết về phòng, chống dịch COVID-19
Tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.
Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố…; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người. Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả.
Mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19
Ngày 22/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Nghị quyết nêu rõ: Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số nội dung về mua sắm phục vụ phòng chống dịch COVID-19, trong đó, về cơ chế, hình thức thực hiện mua sắm, việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Chính phủ đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch mua trực tiếp của nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài, mua qua các đơn vị mua sắm của Liên Hợp Quốc và một số mặt hàng đặc thù sản xuất trong nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19
Theo Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 20/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tổ trưởng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền; vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm
Theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm gồm: 1- Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; 2- Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; 3- Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát; 4- Niêm yết, thông báo công khai; 5- Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; 6- Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.
Trong đó, về tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát, thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.
Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại theo quy định; kết quả cuộc họp được lập thành 2 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (1 bản lưu ở thôn, 1 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).
Trước 25/7, giải quyết dứt điểm chế độ đối với chuyên gia sang giúp Lào
Theo Thông báo số 197/TB-VPCP, đối với 268 chuyên gia do Ban Xây dựng 64 cử đi (nay là Tổng Công ty Công trình giao thông 8) đã có đủ hồ sơ theo quy định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong ngày 21/7/2021, lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Bộ LĐTB&XH trực tiếp làm việc, thống nhất phương án, giải quyết dứt điểm chế độ cho các đối tượng này trước ngày 25/7/2021.
Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Chương trình nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt tại Quyết định 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021.
Về định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, đối với khu vực đô thị, phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Đối với khu vực nông thôn, phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương.
Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm: 1- Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; 2- Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; 3- Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; 4- Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; 5- Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Nâng cao năng lực kinh tế tập thể, hợp tác xã
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia hợp tác xã và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước có khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35.000 hợp tác xã với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp hợp tác xã với 1.100 hợp tác xã thành viên.
Đến 2025, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Xử nghiêm việc móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi đánh bắt trái phép ở nước ngoài
Tại văn bản 198/TB-VPCP ngày 21/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Xây dựng Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế xây dựng Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia gắn với Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine, trên cơ sở rà soát, sắp xếp hợp lý các đơn vị sự nghiệp trong nghiên cứu của Bộ Y tế một cách hợp lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: Báo xây dựng