Cần có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất
Nên giao đất sạch cho chủ đầu tư
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đã xuất hiện rất nhiều vấn đề không phù hợp, là nội dung mà nhân dân, cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất.
Đại biểu cho rằng, bỏ khung giá quyền sử dụng đất là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù, giải tỏa để thực hiện dự án lớn, nhỏ. “Mong Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để rũ bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả. Cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu cũng đề nghị Luật sửa đổi phải sửa cho hợp lý nhất quy định về chủ đầu tư dự án tự thỏa thuận đền bù, vì đây là điểm tắc nghẽn lớn trong thực tiễn khi triển khai các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội.
Khi để cho dự án tự thỏa thuận có nghĩa là nhà nước đã buông bỏ quyền cơ bản nhất là nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng. Vì vậy, tốt nhất là chính quyền địa phương phải triển khai đền bù, giải tỏa theo quy định của pháp luật, để giao đất sạch cho chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nhìn nhận, Luật Đất đai có liên quan đến rất nhiều các luật khác. Vì vậy, cùng với việc sửa đổi Luật Đất đai, cần rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra một luật sửa nhiều luật, đồng bộ với Luật Đất đai để khi Luật Đất đai đưa vào là có thể phát huy ngay tác dụng.
Về vấn đề giá đất, đại biểu nhất trí bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá và mức giá cụ thể hàng năm cho chính quyền các địa phương và cân nhắc 2 phương án: Một là, thành lập ra cơ quan xác định giá riêng, độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp, giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính; Phương án 2 là giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định.
Định giá đất sát giá thị trường là bài toán rất khó
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) quan tâm đến quy định “cơ quan, tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất”. Theo đại biểu, quy định này là rất cần thiết, song việc phải lấy ý kiến của nhân dân về kế hoạch sử dụng đất 5 năm đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, hằng năm đối với Ủy ban nhân dân huyện thì cần phải cân nhắc.
Đại biểu Mai Văn Hải. (Ảnh: Quốc hội) |
Bởi việc lấy ý kiến, nhất là hình thức tổ chức hội nghị sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương. “Khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất sẽ căn cứ vào quy hoạch, theo tôi không nên quy định phải xin ý kiến nhân dân về kế hoạch sử dụng đất hằng năm”, đại biểu Mai Văn Hải nói.
Điều 164 dự thảo Luật quy định “bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất”.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) phân tích, quy định như dự thảo có thể hiểu Sở Tài nguyên và Môi trường tự xây dựng hoặc đi thuê đơn vị có chức năng xây dựng bảng giá đất và sản phẩm là bảng giá đất vẫn là của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương trong thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc. (Ảnh: Quốc hội) |
“Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể được sát đúng. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cần có tổ chức độc lập và chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, để định giá đất sát với giá thị trường là bài toán rất khó. Theo đại biểu, thị trường giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang tồn tại hai giá và giá trong hợp đồng thường thấp hơn nhiều thực tế để tránh nghĩa vụ thuế.
“Thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện quá cao, trong khi bảng giá đất do Nhà nước ban hành quá thấp, nên tình trạng này tồn tại lâu nay chưa giải quyết được”, đại biểu nói và kiến nghị luật tính toán kỹ để hạn chế tình trạng sốt đất ảo và có chế tài xử nghiêm hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá về đất gây nhiễu loạn thị trường đất đai.
Thẩm tra dự Luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ định nghĩa cụ thể hơn “giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” và quy định rõ phương pháp định giá đất, trường hợp áp dụng cụ thể để đảm bảo công khai, minh bạch.
“Có thể áp dụng nhiều phương pháp xác định, thẩm định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương án có kết quả cao nhất để không làm thất thoát ngân sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Nguồn: Báo lao động thủ đô