Ngôi đàn tế trời còn nguyên vẹn duy nhất tại Việt Nam nằm ở đâu?
Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn làm lễ tế trời. Đây là ngôi đàn tế trời duy nhất ở Việt Nam còn nguyên vẹn về không gian, kiến trúc, với rừng thông xanh bao bọc chung quanh.
Trung tâm của đàn Nam Giao là Giao đàn, hướng về phía nam |
Theo Dư địa chí TT-Huế, đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long, cách kinh thành Huế khoảng 4km về phía Nam, nay là phường Trường An, thành phố Huế. Trong ảnh: Cổng chính dẫn vào đàn Nam Giao. |
Đây là nơi nhà vua làm lễ tế trời (tế Giao). Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ, vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng. Trong ảnh: Ba tầng chính của ngôi đàn nhìn từ xa |
Đàn Nam Giao là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm: Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích đến 10ha. Trung tâm của khuôn viên đàn Nam Giao là Giao đàn, hướng về phía nam. Trong ảnh: Từ Phương Đàn – tượng trưng cho đất, nhìn ra phía cổng chính |
Đàn gồm 3 tầng, xây chồng lên nhau, tượng trung cho “tam tài”: thiên, địa, nhân. Tầng trên cùng hình tròn – Viên đàn – tượng trưng cho trời, xung quanh có lan can quét vôi màu xanh. Trên nền Viên đàn có lát những phiến đá Thanh được khoét lỗ tròn. Đến kỳ tế lễ, những lỗ này được dùng để cắm cột dựng lều vải màu xanh hình nón, gọi là Thanh ốc. Trong ảnh: Xung quanh đàn Nam Giao được bao bọc bởi rừng thông xanh |
Tầng tiếp theo hình vuông – Phương Đàn – tượng trưng cho đất, lan can quét vôi màu vàng. Khi tế, người ta dựng lều vải màu vàng, gọi là Hoàng ốc. Tầng dưới cùng cũng có hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ, tượng trung cho con người. Cả ba tầng đều có trổ cửa và bậc cấp ở 4 mặt Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong ảnh: Lối lên tầng trên cùng của đàn Nam Giao |
Xung quanh ba tầng đàn này còn có các công trình như Trai cung (dành cho vua vào nghỉ ngơi trai giới trước khi tế lễ vài ngày), Thần trù (nhà bếp, nơi chuẩn bị các con vật cúng tế), Thần khố (kho chứa đồ dùng cho cuộc tế) và một số công trình phụ khác. Trong ảnh: Tầng trên cùng hình tròn – Viên đàn – tượng trưng cho trời |
Quan niệm thời xưa cho rằng vua là Thiên tử (con trời) nên chỉ có vua mới được quyền cúng tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tạ ơn trời đất. Lễ Tế Giao đầu tiên dưới thời Nguyễn được tổ chức năm 1807 và từ đó trở đi được tổ chức vào mùa xuân hàng năm. Đến thời Thành Thái, vào năm 1907, thì đổi lại 3 năm một lần. Trong ảnh: Toàn cảnh đàn Nam Giao nhìn từ trên cao. Ảnh: VnExpress |
Thời điểm tế lễ, dọc đường từ Đại Nội đến Giao Đàn, đoàn Ngự đạo của nhà vua đi ra từ Ngọ môn, vượt sông Hương qua cầu phao bằng thuyền (khi chưa có cầu Trường Tiền), đến Nam Giao bằng con đường mà trước đây gọi là “Nam Giao cựu lộ” tức là đường Phan Bội Châu và “Nam Giao tân lộ” tức là đường Điện Biên Phủ ngày nay. Trong ảnh: Tái hiện lễ tế Giao tại lễ hội Festival Huế. Ảnh tư liệu |
Lễ Tế Giao cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam được tổ chức dưới thời vua Bảo Đại, vào nửa đêm rạng ngày 23/3/1945, đúng 5 tháng trước khi nền quân chủ ấy sụp đổ hoàn toàn. Trong ảnh: Lối vào Trai cung |
Ngày nay, nghi thức lễ Tế Giao đã được tái hiện trong khuôn khổ Festival Huế lần đầu tiên vào năm 2004. Đây được coi là một hoạt động mang ý nghĩa tái hiện lịch sử và thu hút được nhiều sự quan tâm theo dõi của du khách lẫn người dân địa phương. |
Qua thời gian dài chịu tác động của chiến tranh, thời tiết, khí hậu, nhiều hạng mục nằm trong khu di tích đàn Nam Giao ở Huế dần xuống cấp. Hiện nay, nhiều khu vực trong khu di tích này đang là đối tượng được tu bổ, bảo tồn, phục dựng… nhằm sớm hoàn thiện trùng tu một công trình mang giá trị về mặt tâm linh rất lớn trong lòng người dân Huế và cả nước. Trong ảnh: Các phần kiến trúc bên trong Trai cung được hạ giải phục vụ công tác trùng tu |
Đàn Nam Giao triều Nguyễn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Trong ảnh: Phối cảnh tổng thể Trai cung, đàn Nam Giao, phục vụ công tác trùng tu. Ảnh tư liệu. |
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để hoàn thiện các bước chuẩn bị cho quá trình trùng tu di tích đàn Nam Giao giai đoạn 1 sắp tới. Trước đó, dự án đầu tư “Bảo tồn, tu bổ di tích đàn Nam Giao” (giai đoạn 1) đã được UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt vào tháng 10/2018. Dự án có tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư và thực hiện trong vòng 5 năm. |
Nguồn: Báo xây dựng