Châu Âu đối mặt với suy thoái kinh tế
Xu hướng đi xuống của các nền kinh tế có thể nhanh hoặc chậm rãi, nhưng dù là như thế nào thì Liên minh châu Âu và Anh đã bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái.
Văn phòng Thống kê Quốc gia hôm thứ Sáu vừa qua cho biết: nền kinh tế Anh đã giảm 0,2% trong tháng 7, 8 và 9 so với 3 tháng trước đó. Sự sụt giảm này đã được dự báo từ trước và sẽ còn tiếp tục lan rộng ra toàn lãnh thổ của châu Âu từ giờ cho đến cuối năm.
Paolo Gentiloni, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu, cho biết nhiều quốc gia có khả năng bước vào suy thoái trong ba tháng cuối năm 2022. “Nền kinh tế của Liên minh châu Âu đang trên đà đi vào một bước ngoặt”, ông Gentiloni nói. “Dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy sự sụt giảm về doanh thu vào mùa đông.”
Các số liệu khác nhau cho thấy sự suy thoái kinh tế từ đại dịch và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang có tác động không đồng đều đến nhóm các quốc gia trong khu vực EU.
Anh và châu Âu đang phải đối mặt với hai vấn nạn song hành đó là: sự leo thang của lạm phát và sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế. Chiến tranh và các lệnh trừng phạt trả đũa chống lại Nga, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc và năng lượng lớn nhất thế giới, đã khiến giá nhiên liệu, thực phẩm và phân bón toàn cầu tăng chóng mặt.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng bắt nguồn từ đại dịch Covid – 19 và sự phong tỏa nghiêm ngặt đang diễn ra ở Trung Quốc – gần đây nhất là ở trung tâm sản xuất Quảng Châu – đã làm tăng thêm hàng loạt các vấn đề kinh tế, cũng như các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, tỉ lệ lạm phát hàng năm, theo đo lường đã, đạt 10,4% vào tháng Mười năm nay. Tại Anh, lạm phát đã chạm ngưỡng 10,1% vào hồi tháng 9, riêng lạm phát đối với giá cả hàng tạp hóa đã ghi nhận ở mức 14,7% – mức cao nhất trong vòng 40 năm qua – và vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Những cuộc gói về kênh radio của BBC luôn kín sóng với những người bày tỏ sự lo âu về việc không đủ khả năng chi trả cho việc thắp sáng và sưởi ấm chính ngôi nhà của mình.
Jeremy Hunt, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Anh, tuyên bố hôm thứ Sáu rằng: “phía trước là một hành trình khó khăn, nó sẽ đòi hỏi những quyết định cực kỳ khó khăn để khôi phục sự tự tin và về ổn định kinh tế”.
Các ước tính sơ bộ của Văn phòng thống kê quốc gia cho thấy sự suy thoái trên diện rộng ở Anh – bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ – nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội hoặc tổng sản lượng của quốc gia tiếp tục duy trì dưới mức trung bình so với trước đại dịch. Mức sụt giảm đặc biệt mạnh trong tháng 9, giảm 0,6% so với tháng trước, mặc dù con số đó bị ảnh hưởng bởi đám tang của Nữ hoàng Elizabeth II, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa mà không có kế hoạch trên diện rộng.
Mức sụt giảm hàng quý thực chất là ít hơn dự kiến - các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán sự sụt giảm sẽ ở mức 0,5% – và sau thông báo này, lợi tức trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm đã giảm một chút trước khi tăng trở lại phần nào lên 3,33%.
Theo truyền thống, suy thoái được định nghĩa là sự suy giảm đáng kể trong các hoạt động kinh tế và thường kéo dài khoảng một vài tháng.
Ngân hàng Trung ương Anh đã nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn đà tăng của lạm phát bằng cách tăng lãi suất ngay cả khi có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, mặc dù mức tăng không cao như sự dự tính của các nhà giao dịch. Tuần trước, ngân hàng này một lần nữa nâng lãi suất chủ chốt, đồng thời dự đoán nền kinh tế Anh sẽ thu hẹp lại trong nửa cuối năm nay và tiếp tục co lại cho đến giữa năm 2024.
Lãi suất cao hơn khiến việc vay tiền để thế chấp và đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, hạn chế chi tiêu của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng thời có thể làm tăng tỉ lệ thất nghiệp.
Tuy nhiên, nền kinh tế của Anh cũng đang phải hứng chịu một loạt ảnh hưởng nghiêm trọng do Đảng Bảo thủ cầm quyền tự gây ra. Một kế hoạch kinh tế bị chỉ trích rộng rãi vào tháng 9 do cựu thủ tướng Liz Truss đề xuất, bao gồm cắt giảm các khoản thuế không hoàn lại và các loại thuế cao, tăng khả năng chi tiêu để giúp các hộ gia đình có đủ khả năng chi trả cho các hóa đơn năng lượng đang tăng cao, đã khiến thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Chính sách này “sẽ càng làm ảnh hướng đến nền kinh tế vốn dĩ đang ảm đạm của Anh,” Pantheon Macroeconomics dự đoán.
Các nhà kinh tế và phân tích cũng đồng tình rằng quyết định rời Liên minh châu Âu của Anh vào năm 2016 là một đòn đánh lớn và lâu dài đối với nền kinh tế của nước này.
Rất ít quốc gia trong Liên minh châu Âu dự kiến sẽ rơi vào phạm vi tăng trưởng âm trong năm tới, nhưng triển vọng đối với Đức, quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc mất đường ống dẫn khí đốt của Nga, là rất tồi tệ. Liên minh châu Âu. ước tính rằng nền kinh tế của Đức sẽ giảm 0,6% vào năm 2023.
Trên toàn châu Âu, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao hơn so với dự báo trước đó. Điểm sáng duy nhất, theo ông Gentiloni nhận xét, đó chính là việc châu Âu vẫn duy trì được một thị trường lao động ổn định.
Bức tranh dường như tăm tối hơn ở Anh, nơi những vấn đề còn tồn đọng đang khiến khoảng 2,5 triệu người bị đánh bật ra khỏi đội ngũ lao động, khiến số người có việc làm ở mức thấp hơn so với trước đại dịch.
Văn phòng thống kê cho biết trên khắp London, dù đèn trang trí cho mùa Giáng sinh đã được thắp trên khắp các con phố, nhưng số lượng khách hàng đến các trung tâm mua sắm và các khu phố lớn trong tuần qua đã sụt giảm so sánh với cùng thời điểm năm trước.
Niềm tin của người tiêu dùng đang dao động gần mức thấp kỷ lục, trong khi các doanh nghiệp đang báo cáo lượng đơn đặt hàng sụt giảm. Số người tìm mua nhà đã giảm trong tháng trước do lãi suất thế chấp tăng cao.
Châu Âu dự kiến sẽ đón một mùa Giáng sinh và năm mới bị ảnh hưởng rất nhiều do suy thoái kinh tế.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu