Quảng Nam: Tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong 2 tháng cuối năm
(Xây dựng) – Để hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với các công trình xây dựng. |
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 những tháng cuối năm 2022. Xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Chủ động lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kế hoạch năm 2023 nguồn Ngân sách Nhà nước. Tập trung triển khai hiệu quả, kịp thời 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo kế hoạch đề ra, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện 03 Chương trình; tăng cường công tác chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ thị trường giá, đặc biệt là giá vật liệu xây dựng.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, kiểm tra việc phân cấp, ủy quyền cho đơn vị giải quyết một số công việc, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (LRIS) kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia (GRIS), Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) để phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tăng cường công tác tiếp công dân, tập trung đối thoại và giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tổng kết các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh năm 2022, xây dựng kế hoạch đối ngoại năm 2023 theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Rà soát việc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Rà soát, đánh giá hiện trạng và căn cứ quy hoạch đô thị, nông thôn mới tại các địa phương để đề xuất phương án bố trí cửa hàng xăng dầu dọc các trục đường lớn và các khu trong đô thị của các huyện, thị xã, thành phố theo hướng phải thiết thực, hợp lý, phục vụ đa mục tiêu và đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, hiện đại, mỹ quan kiến trúc đô thị.
Về phát triển kinh tế đã đã được, đối với ốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP 9 tháng năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước, 2/5 địa phương trong khu vực trọng điểm kinh tế Miền Trung, 4/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng trên 10%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đầu năm là 7,5-8%. Quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng. Quảng Nam xếp vị thứ: 19/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Tổng vốn đầu tư công năm 2022 là 8.244,610 tỷ đồng, kế hoạch giao đầu năm là 6.861,840 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 là 7.831,310 tỷ đồng bao gồm 900,558 tỷ đồng vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh phát sinh 1.069,488 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài 413,3 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ 6.900,641tỷ đồng, đạt 98%. Kế hoạch vốn còn lại 930,669 tỷ đồng. Đến hết ngày 31/10/2022, tổng vốn đầu tư công năm 2022 các dự án do địa phương quản lý giải ngân 3.803,496 tỷ đồng, đạt 60,6% so với kế hoạch vốn đầu năm, đạt 46,1% so với kế hoạch vốn bổ sung và đạt 51,7% so với kế hoạch vốn đã phân bổ.
Tổng thu Ngân sách Nhà nước từ đầu năm tính đến 31/10/2022 đạt hơn 23,9 nghìn tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm, tăng 45% so với cùng kỳ. Tổng chi Ngân sách Nhà nước đạt gần 15,2 nghìn tỷ đồng, đạt 64% dự toán.
Tính đến ngày 31/10/2022, cả tỉnh có 1.069 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10,2% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 6.551 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 6,13 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 535 doanh nghiệp, tăng 31,7%. Số doanh nghiệp đã giải thể 183 doanh nghiệp, tăng 12,3%, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 811 doanh nghiệp, tăng 20,5%.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cấp mới 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 68,24 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 195 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,06 tỷ USD và cấp mới 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8.368 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 964 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: Báo xây dựng