Tỷ lệ mắc bệnh xương khớp của người Việt ngày càng gia tăng
Tỷ lệ mắc bệnh xương khớp của người Việt ngày càng gia tăng
Dù Việt Nam đang nằm trong giai đoạn “dân số vàng” nhưng tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp ngày càng gia tăng
Tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp tại Việt Nam rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Theo số liệu thống kê của Hội Cơ Xương khớp Việt Nam, có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp. Hội Loãng xương TP.HCM ước tính, có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang bị loãng xương – một rối loạn chuyển hóa của bộ xương, là nguyên nhân dẫn đến gãy xương.
Theo dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 – 80%. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì 1 người mắc bệnh loãng xương.
Hội Loãng xương TP.HCM cho rằng, loãng xương là một “bệnh âm thầm” vì người bệnh sẽ không có triệu chứng cảnh báo bệnh rõ ràng cho đến khi gãy xương thì mới phát hiện mình bị loãng xương.
Không chỉ Việt Nam, loãng xương cũng là căn bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới. Ước tính toàn thế giời có khoảng 1,71 tỷ người mắc bệnh cơ xương khớp, trên 200 triệu người bị loãng xương. Vậy nên, loãng xương trở thành một vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu và gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
Số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý cơ xương khớp càng lúc càng tăng và mức độ ngày càng nặng nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang lên kế hoạch từng bước giải quyết gánh nặng do các bệnh lý cơ xương khớp trên một số lĩnh vực theo chương trình “Sáng kiến phục hồi chức năng 2030”.
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Chủ tịch Hội Nội soi & Thay khớp Việt Nam, dù bệnh lý cơ xương khớp đang ngày càng gia tăng ở người Việt Nam nhưng người dân vẫn đang còn rất “thờ ơ” vì vẫn còn nếp nghĩ cũ “Già mà, thôi kệ”.
Chủ tịch Hội Nội soi & Thay khớp Việt Nam khuyến cáo, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ loãng xương của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng và trẻ hóa đó là lười vận động nhất. Ít nhất có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc – UNFPA, Việt Nam là một trong 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới.
Bên cạnh đó, sự già hóa của dân số làm cho tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, số người bị loãng xương sẽ tăng tương ứng. Sự thiếu hụt trầm trọng canxi do không cung cấp đủ nhu cầu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh; thiếu hụt vitamin D; sử dụng một số thuốc kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến xương… cũng khiến cho tỷ lệ loãng xương ngày càng cao.
Loãng xương để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thay đổi hình thể, giảm chức năng, chất lượng cuộc sống mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh khác và tử vong.
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi cả nam và nữ, người hút thuốc lá, tiền sử gia đình thiếu canxi trong khẩu phần ăn hằng ngày, thiếu vận động thể lực… là những đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương.
Những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ bị loãng xương thứ phát do các bệnh nội tiết, bệnh thận mãn, các bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp… Tuy nhiên, bệnh loãng xương có thể phòng ngừa được nhưng đòi hỏi phải thực hiện bền bỉ suốt cuộc đời, kết hợp chặt chẽ giữa vận động và dinh dưỡng hợp lý để có khối lượng xương đỉnh cao nhất lúc trưởng thành.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho rằng đã đến lúc mọi người Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình bằng cách thường xuyên vận động giúp cơ xương khớp linh hoạt, giảm thiểu loãng xương; chăm sóc sức khỏe tinh thần, chăm sóc dinh dưỡng giúp cơ thể bổ sung đầy đủ dưỡng chất, nhất là những người trên 50 tuổi hấp thu kém để duy trì cơ thể khỏe mạnh lâu dài.
2. Cách phòng ngừa loãng xương hiệu quả
Ngoài các yếu tố không thể thay đổi được như gen, tuổi tác, giới tính,… việc phòng ngừa loãng xương hoàn toàn có thể thực hiện bằng việc cải thiện thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng hàng ngày. Một số hướng dẫn hữu ích như sau:
Tập thể dục
Các bài tập vận động cơ thể phù hợp sẽ thúc đẩy làm tăng mật độ xương và cải thiện sự cân bằng để hạn chế nguy cơ té ngã. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thực hiện bất cứ chương trình tập luyện nào, việc tham khảo ý kiến bác sĩ là thực sự cần thiết. Đặc biệt là đối với những người ít vận động, trên 75 tuổi hoặc đang có bệnh lý. Các khuyến nghị chung trong vấn đề tập luyện thể dục phòng tránh loãng xương gồm:
Nếu mục tiêu là ngăn ngừa loãng xương, các bài tập như chạy bộ, đi bộ nhanh, khiêu vũ, quần vợt,… là lựa chọn lý tưởng..
Các bài tập nâng cao sức bền cũng rất có lợi cho sức khỏe của xương, phát triển, duy trì sức mạnh và khối lượng cơ bắp.
Các bài tập như yoga, thái cực quyền,… cũng rất có lợi bởi giúp cải thiện sự cân bằng cho cơ thể, hạn chế tối đa tình trạng té ngã nguy hiểm.
Tuy nhiên việc tập luyện nên duy trì với cường độ vừa phải. Thực tế, nhiều phụ nữ hiện nay đang chạy theo những bài tập rất nặng vừa thực hiện chế độ ăn kiêng khắt khe dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Đặc biệt, điều này khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, nồng độ Estrogen thấp dẫn đến những tác động tiêu cực cho xương.
Chế độ ăn giàu vitamin D và Canxi
Lượng Canxi cần thiết đối với cơ thể của một người trưởng thành là khoảng 1.000mg/ngày. Tuy nhiên, đàn ông trên 70 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi cần tiêu thụ mức 1.200mg/ngày. Nguyên nhân bởi nếu cơ thể thiếu Canxi, quá trình phân hủy xương sẽ diễn ra để bù đắp lượng chất cần thiết, dẫn đến tình trạng loãng xương thường gặp. Vì vậy việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày là thực sự cần thiết. Một số nguồn thực phẩm giàu và Canxi gồm: (3)
Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo.
Nước trái cây, thực phẩm tăng cường canxi như: Ngũ cốc, sữa đậu nành, đậu phụ,…
Cá mòi và cá hồi có xương.
Các loại rau có màu xanh đậm như: Cải xoăn, bông cải xanh,…
Vitamin D giúp quá trình hấp thụ Canxi trở nên hiệu quả và thuận lợi hơn. Cụ thể, mỗi ngày, cơ thể cần 600 IU (đơn vị quốc tế) đối với người lớn đến 70 tuổi và 800 IU đối với nhóm đối tượng trên 70. Thực tế, không có nhiều loại thực phẩm tự nhiên chứa Vitamin D, một số nguồn bổ sung có thể tham khảo gồm:
Các loại cá béo: Cá hồi, cá thu, cá ngừ,…
Gan bò, phô mai, lòng đỏ trứng,…
Sữa, ngũ cốc, nước cam,…
Ngoài ra, làn da cũng có khả năng tổng hợp Vitamin tự nhiên khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng. Tuy nhiên việc lạm dụng là không nên bởi sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da.
Ngừng hút thuốc, uống rượu bia
Việc uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Ảnh hưởng của thuốc lá cũng tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn bởi làm rối loạn hormone Estrogen trong cơ thể. (4)
Tắm nắng
Làn da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày để thúc đẩy quá trình sản xuất Vitamin D. Đây là biện pháp phòng ngừa loãng xương đơn giản nhưng đem đến nhiều ảnh hưởng tích cực. Tuy nhiên, thói quen tắm nắng cũng cần tuân theo khuyến nghị về sức khỏe để tránh ung thư cũng như một vài vấn đề không mong muốn khác.
Hạn chế uống soda
Soda là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng loãng xương. Nguyên nhân bởi trong loại đồ uống này có chứa hàm lượng photpho lớn, ngăn cơ thể hấp thụ Canxi. Vì vậy, tốt nhất là nên thay thế soda bằng các loại đồ uống giàu dinh dưỡng như nước trái cây, sữa đậu nành,… để phòng ngừa loãng xương hiệu quả.
Duy trì cân nặng
Thiếu và thừa cân đều có khả năng làm tăng nguy cơ loãng xương cũng như gây hại đến sức khỏe. Do đó, việc duy trì số cân nặng hợp lý, ổn định là thực sự quan trọng.
Bổ sung đạm
Đạm (Protein) có trong mọi tế bào của cơ thể, bao gồm cả xương. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc bổ sung Protein sẽ làm tăng mật độ khoáng trong xương. Theo khuyến nghị, lượng đạm cần thiết mỗi ngày cho mỗi pound trọng lượng cơ thể là 0,4g. Một số loại thực phẩm giàu Protein gồm: trứng, sữa, phô mai, hạnh nhân,…/.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị