Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao và đồng bộ, thống nhất
(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo ra công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất và hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển đất nước. |
Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết
Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và định hướng lãnh đạo công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng lần thứ VIII đã nhấn mạnh vai trò của công tác quy hoạch và quản lý đô thị là “từng bước hình thành mạng lưới đô thị hợp lý, tránh tạo thành các siêu đô thị; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị”.
Đến Đại hội XI, XII, XIII, mối quan hệ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn cũng như các vấn đề về chất lượng quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch ngày được chú trọng. Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng chỉ đạo: “Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị…”.
Thể chế hóa các định hướng lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước qua từng giai đoạn, thời kỳ.
Hiện nay, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được quy định tại 2 Luật là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Sau 12 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị và 7 năm thi hành Luật Xây dựng cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện.
Từ cơ sở lý luận, thực tiễn Việt Nam và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới cho thấy, việc ban hành Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết để xây dựng công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất và hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. |
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn
Theo nội dung dự thảo của Bộ Xây dựng, mục đích của việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn; phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, bao gồm lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch tại khu vực đô thị, nông thôn, khu chức năng. Luật này áp dụng đối với cơ quan, pháp nhân, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm 2 chính sách lớn. Một là lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Hai là tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trong đó, mục tiêu của chính sách một là xây dựng công cụ quản lý chủ động của chính quyền về quy hoạch đô thị và nông thôn (đồ án quy hoạch) theo trình tự, nội dung quy định đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Nội dung chính sách sẽ nêu rõ các bước lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, Luật cũng sẽ nêu rõ các giải pháp thực hiện từng nội dung của chính sách từ khi lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.
Đối với chính sách hai, mục tiêu là quy định về công tác tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn được phê duyệt (công cụ quản lý), đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển.
Nội dung của chính sách bao gồm quy định về nguồn lực thực hiện và điều kiện đảm bảo cho công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch đô thị, nông thôn được phê duyệt; quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn và các giải pháp thực hiện các nội dung của chính sách đã được lựa chọn.
Trong dự thảo Tờ trình, Bộ Xây dựng cũng nêu rõ sự cần thiết của việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn (Nghị định, Thông tư) và hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật.
Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trước ngày 10/12/2022, trước khi trình Quốc hội thông qua, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 05/2023.
Nguồn: Báo xây dựng