Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hài hòa – thúc đẩy năng lượng xanh

Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hài hòa – thúc đẩy năng lượng xanh

MTĐT –  Thứ hai, 14/11/2022 11:42 (GMT+7)

Tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang rất chú trọng đến vấn đề bảo toàn hệ sinh thái và ứng dụng năng lượng xanh.

Việc thúc đẩy năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm (nguyên tắc sức khỏe), bảo vệ môi trường (nguyên tắc sinh thái) và nâng cao tính bền vững cho nền nông nghiệp. Việt Nam là một trong các quốc gia thuộc khối ASEAN đã có sự chuẩn bị tốt trong việc ban hành các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ, phù hợp với điều kiện Việt Nam, giúp các cơ sở sản xuất, chế biến thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước.

Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế

Theo quan điểm của Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ bao gồm sức khỏe, sinh thái, cân bằng và cẩn trọng. Trong đó, nguyên tắc sinh thái hay còn gọi là nguyên tắc bảo tồn hệ sinh thái, quy định rằng nông nghiệp hữu cơ cần dựa trên các hệ sinh thái sống và chu trình tự nhiên, vận hành phù hợp với chúng, tuân thủ các quy tắc và giúp bảo vệ tính toàn vẹn và hài hòa của chúng. Việc vận dụng 4 nguyên tắc nêu trên, đặc biệt là nguyên tắc sinh thái, gắn kết chặt chẽ với khái niệm nông nghiệp tuần hoàn*.

Thời gian gần đây, do áp lực của thị trường nhập khẩu và nhu cầu tự thân của nhà sản xuất, các doanh nghiệp đang ngày càng áp dụng phổ biến các phương thức sản xuất mới như thực hành nông nghiệp tốt và nông nghiệp hữu cơ.

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện, nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm đa dạng sinh học, chu trình sinh học và năng suất sinh học.

Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài cơ sở sản xuất và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương. Cụ thể, trên phương diện quốc tế, trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ hiện có tiêu chuẩn của CODEX là CXG 32-1999 Về hướng dẫn đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn và marketing thực phẩm hữu cơ hay tiêu chuẩn của IFOAM về tiêu chuẩn đối với sản xuất và chế biến hữu cơ.

Theo IFOAM, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ có vai trò quan trọng đối với đời sống dựa trên 4 khía cạnh là sức khỏe, sinh thái học, công bằng và quản lý. Cụ thể: Về sức khỏe, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ chỉ ra rằng, sức khỏe của cá nhân và cộng đồng không thể tách rời sức khỏe của hệ sinh thái.

Môi trường đất khỏe mạnh sẽ tạo ra cây trồng khỏe mạnh, nhờ đó giúp tăng cường sức khỏe của con người và động vật. Về sinh thái học, cần bảo tồn đa dạng sinh học hiện tại và tương lai bằng cách bảo vệ sự sống của các hệ sinh thái (thực vật, động vật và vi sinh vật trong thế giới tự nhiên). Về công bằng, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ yêu cầu ngăn chặn người lao động làm việc trong điều kiện tồi tệ, không công bằng.

Đồng thời, đảm bảo công bằng về môi trường và cơ hội sống cho tất cả tầng lớp giai cấp, đảm bảo rằng mọi người đều đầy đủ, hạnh phúc; Về quản lý, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đề ra cần quản lý thực phẩm hữu cơ, an toàn đối với sức khỏe con người, có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, phúc lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hài hòa - thúc đẩy năng lượng xanh

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh

Để đáp ứng các mục tiêu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ ASEAN, nông nghiệp hữu cơ cần đáp ứng các mục tiêu sau đây: (i) áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; (ii) đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; (iii) giảm thiểu và tránh dùng vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại; (iv) giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; (v) không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ…); (vi) tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; (vii) duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Việt Nam cần áp dụng các TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, điều này sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu và áp dụng đúng bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, doanh nghiệp có sự điều chỉnh kịp thời trong sản xuất kinh doanh, phù hợp với những yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi khi tiếp cận thị trường quốc tế.

Các TCVN được công bố sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất, chế biến, chứng nhận, ghi nhãn và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Ở cấp độ quốc gia, hầu hết các nước trên thế giới đều có tiêu chuẩn hoặc quy định đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam từ năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham gia, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan xây dựng và công bố 8 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm: TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù mang tính chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ, Bộ KH&CN cũng đã công bố bổ sung thêm một số TCVN đặc biệt gồm TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ.

Nhóm TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam và cơ bản đã hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Cụ thể, trong TCVN 11041-2 về trồng trọt hữu cơ, Việt Nam khuyến khích người nông dân sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ để bón cho cây trồng của chính cơ sở đó. Trong khi đó, TCVN 11041-3 về chăn nuôi hữu cơ yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực. Đây cũng là yêu cầu then chốt được nêu trong các tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới như tiêu chuẩn của IFOAM, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…

tm-img-alt
Nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Cụ thể như, theo yêu cầu của IFOAM, các tiêu chuẩn hữu cơ cần hạn chế sử dụng vật tư đầu vào gây hại trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam đã kịp thời nắm bắt các yêu cầu này và quy định tại Điều 5.1.6 của TCVN 11041-1: “Trong sản xuất hữu cơ, phải hạn chế tối đa việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong tất cả các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; không được để người và môi trường xung quanh phơi nhiễm với các hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến cơ sở và môi trường xung quanh. Phải có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp sự ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn hữu cơ của chuỗi cung ứng”.

Ngoài ra, trong sản xuất và chế biến thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu động cơ, mỡ bôi trơn thiết bị…) là một trong những mối nguy đối với an toàn thực phẩm nói chung và mối nguy đối với tính toàn vẹn của sản phẩm hữu cơ. Để giảm nguy cơ này, TCVN 11041-5 về gạo hữu cơ yêu cầu “Máy móc, thiết bị phải luôn được bảo trì để tránh ô nhiễm nhiên liệu và dầu”; “Nếu sử dụng máy sấy thì phải làm sạch máy trước khi sấy thóc. Phải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như vỏ trấu hoặc dùng điện”.

Như vậy có thể thấy, các TCVN công bố có sự hài hòa cao với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên trong thời gian tới, để tiếp tục thu hẹp khoảng cách tỷ lệ hài hòa giữa hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam với quốc tế, đẩy mạnh năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong xây dựng tiêu chuẩn, từ công đoạn lập quy hoạch, kế hoạch cho đến soạn thảo, công bố và phát hành.

Do vậy, vai trò của doanh nghiệp trong các khâu rất quan trọng, kể từ khi xây dựng cho đến thực thi các tiêu chuẩn. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhằm thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế; tận dụng cơ hội phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, phát triển quan hệ song phương với tổ chức tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới.

Việc áp dụng các TCVN hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản, tạo cơ hội cho việc hợp tác và thúc đẩy năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Lê Thành Hưng – Nguyễn Thúy Hằng
Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, 
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích