Nam Định: Đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa

Thời gian qua, đội Cảnh sát đường thuỷ (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nam Định) đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Từ đó, đã nâng cao ý thức của chủ phương tiện cũng như người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Đội Cảnh sát đường thuỷ (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nam Định) kiểm tra hành chính.

Theo Trung tá Đặng Huy Long – Phó đội trưởng đội Cảnh sát đường thuỷ (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nam Định) cho biết: “ Trong thời gian vừa qua, quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, kế hoạch của Giám đốc công an tỉnh và lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, tập trung xử lý các phương tiện vi phạm về quá khổ, quá tải, nồng độ cồn, ma túy… Đội Cảnh sát đường thủy đã chủ động quán triệt, đồng thời xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát cụ thể đối với từng nội dung, giao trách nhiệm đến từng tổ tuần tra kiểm soát trên địa bàn đường thủy nội địa tỉnh Nam Định.

Cùng với công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm, Đội Cảnh sát đường thủy đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết giao thông tại các điểm cong cua, tầm nhìn bị hạn chế, cảnh báo tai nạn giao thông đối với các phương tiện.. nhất là trong thời gian cuối năm, thời tiết sương mù… qua đó nhiều năm liền trên địa bàn đường thủy tỉnh Nam Định không để xảy ra tai nạn.

Cán bộ, chiến sĩ của đội Cảnh sát đường thuỷ (Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nam Định) tuyên truyền cho lái tàu.

Ngoài sự nỗ lực của lực lượng Công an toàn tỉnh nói chung, lực lượng Cảnh sát đường thủy nói riêng, trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành liên quan, nên ý thức của người dân về đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, các phương tiện chở khách ngang sông đã được trang bị đầy đủ áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi; Phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải thủy có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng phù hợp với phương tiện vận tải thủy; phương tiện được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.

Tuy nhiên, trong công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng Cảnh sát đường thuỷ cũng gặp những khó khan nhất định như lực lượng “mỏng”, có nhiều thời điểm số lượng cán bộ, chiến sĩ ít nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với 270km đường sông, 94 bến khách ngang sông, trên 200 bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường sông tăng dần qua các năm, trong khi luồng, tuyến không được mở rộng… là những yếu tố tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thuỷ, khó khăn trong hoạt động tuần tra, kiểm soát.

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuần tra, kiểm soát. Vào mùa mưa, lũ đầu nguồn lớn, cùng với thời tiết sương mù kéo dài, dẫn đến hạn chế tầm nhìn, gây mất an toàn cho các phương tiện đường thuỷ lưu thông, khó khăn trong việc di chuyển để kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm.

“Với đường bộ, khi tiến hành dừng đỗ các phương tiện vi phạm để tuyên truyền, xử lý đã gặp nhiều khó khăn, thì với đường thuỷ còn khó khăn hơn rất nhiều. Trên mặt nước lênh đênh, có sóng, có lực cản của gió, nhất là vào mùa mưa bão, sương mù thì việc dừng các phương tiện để kiểm tra, xử lý, tuyên truyền thì lại càng khó hơn.” – Trung tá Đặng Huy Long chia sẻ.

Lái tàu kí cam kết chấp hành nghiêp luật giao thông đường thủy nội địa.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đường thuỷ đã phát hiện nhiều phương tiện đường thuỷ vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ như chở quá tải, phương tiện thiếu thiết bị an toàn, sai phạm của đò ngang, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng… Vì vậy, Cảnh sát đường thủy đã tập trung tuyên truyền đến chủ phương tiện, người vi phạm các quy định của pháp luật liên quan, hậu quả tai nạn, các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; vận động người đi trên phương tiện thủy mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi; nhất là không sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn lưu hành trên sông. Từ đó ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên.

Theo Trung tá Đặng Huy Long, “Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đội Cảnh sát đường thuỷ khuyến cáo người dân tự giác thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Các phương tiện hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm. Ngoài ra, các chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và người tham gia giao thông tuyệt đối không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người cho phép; phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với từng loại phương tiện, mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy để đảm bảo an toàn. Với khí hậu nồm ẩm trong dịp cuối năm, đặc biệt là mùa mưa bão, sương mù sắp tới sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Lực lượng chức năng khuyến cáo khi gặp mưa to, gió lớn, sương mù dày đặc, chủ phương tiện người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, neo, đậu tàu thuyền, bật đèn tín hiệu và có người trông coi để phòng tránh tai nạn. Chủ động liên hệ ngay với lực lượng chức năng trong trường hợp khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời, tránh rủi ro, thiệt hại về người và tài sản.”

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích