Đủ loại phí ‘nuôi’ chung cư

Các dịch vụ tiện ích luôn là ưu điểm của chung cư so với nhà mặt đất. Tuy nhiên, để nhận được những lợi ích này, cư dân sẽ phải trả một khoản phí không hề nhỏ.

Anh Dương Long (37 tuổi, lập trình viên) mới mua một căn hộ chung cư cao cấp tại quận Đống Đa cách đây 4 tháng. Trước đó, gia đình anh vốn ở nhà phố đã lâu nên lần chuyển nhà này khiến anh Long cảm thấy rất hào hứng. Tuy nhiên, niềm vui tân gia của vợ chồng anh đã sớm bị dập tắt bởi những gánh nặng đến từ các khoản phí dịch vụ chung cư.

Từ phí dịch vụ định kỳ, phí bảo trì, phí giữ xe, đến phí điện, nước, Internet, anh Long cảm thấy “xây xẩm mặt mày” trước đủ các loại phí khác nhau khi ở chung cư. “Dù đã có tính toán từ trước, tôi vẫn không thể lường trước được việc tháng nào nhà tôi cũng đều đều tốn hơn chục triệu đồng để “nuôi” chung cư”, anh Long chia sẻ.

Tốn hàng triệu đồng mỗi tháng

15 triệu đồng là khoản phí hàng tháng mà anh Dương Long phải chi trả cho căn hộ của mình. Tọa lạc tại khu vực quận Đống Đa, căn hộ chung cư mà anh đang ở thuộc phân khúc hạng sang với mức phí dịch vụ là 13.000 đồng/m2. Căn hộ của anh có diện tích 110 m2, chỉ tính riêng phí dịch vụ, anh Long đã tốn ngót nghét 1,43 triệu đồng mỗi tháng.

“Bên cạnh phí dịch vụ, tiền gửi xe của ôtô là 1,25 triệu đồng/tháng, 2 xe máy là 90.000 đồng/tháng. Tiền điện, nước, Internet rơi vào khoảng 3 triệu đồng. Đấy là còn chưa kể tiền trả góp căn hộ mỗi tháng tầm 10 triệu đồng nữa. Tính ra, căn hộ này tiêu tốn của tôi hơn 15 triệu đồng mỗi tháng”, anh Long chia sẻ.

Đủ loại phí ‘nuôi’ chung cư
Người mua căn hộ chung cư cần tìm hiểu kỹ về mức phí dịch vụ của tòa nhà. Ảnh: Lê Quân.

Những khoản phí mà anh Long đóng hàng tháng đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với những người dân sinh sống tại chung cư. Thông thường, cư dân sẽ phải đóng 3 phí dịch vụ cơ bản, bao gồm: phí dịch vụ định kỳ, phí bảo trì (tương đương 2% giá trị căn hộ), phí gửi xe.

Trong đó, đáng chú ý nhất là phí dịch vụ định kỳ, khoản phí này sẽ dành cho mục đích thanh toán cho đội ngũ quản lý, bảo vệ, nhân viên vệ sinh; làm đẹp khu vực công cộng tại chung cư; mua sắm, bảo trì trang thiết bị; xử lý rác thải; chi trả các công việc hành chính chung.

Về mức phí, số tiền mà cư dân phải đóng sẽ tùy thuộc vào phân khúc của chung cư.

Tại các chung cư giá rẻ, nhà ở xã hội, phí dịch vụ nếu tính theo căn hộ sẽ dao động khoảng 160.000-350.000 đồng/tháng. Còn nếu tính theo diện tích, mức phí sẽ từ 3.000-5.000 đồng/m2. Mức phí tại phân khúc này khá phải chăng, như chung cư HH1 Linh Đàm (160.000 đồng/tháng), Thăng Long Victory (4.000 đồng/m2), Thanh Hà (200.000 đồng/tháng).

Đủ loại phí ‘nuôi’ chung cư
Mức phí dịch vụ sẽ thay đổi tùy theo phân khúc của chung cư. Ảnh: Nhật Thịnh.

Đối với chung cư trung cấp, phí dịch vụ sẽ từ 6.000-10.000 đồng/m2. Mức phí hàng tháng của một số chung cư có thể kể đến như Meco Complex (6.000 đồng/m2), Golden Land (6.500 đồng/m2), Riverside Garden (8.000 đồng/m2), Vinhomes Smart City (8.800 đồng/m2).

Cuối cùng, với phân khúc cao cấp, phí dịch vụ sẽ nằm trong khoảng từ 10.000-22.000 đồng/m2. Điểm qua mức phí hàng tháng tại một số dự án chung cư cao cấp như The Link Ciputra (10.000 đồng/m2), Mulberry Lane (11.000 đồng/m2), Royal City (13.200 đồng/m2), The Matrix One Mễ Trì (16.500 đồng/m2).

Nếu so với nhà mặt đất, người dân sống ở chung cư đang phải đóng nhiều loại phí hơn và mức phí cũng cao hơn. Theo anh Dương Long, trước kia, gia đình anh sống ở nhà phố, cả năm anh chỉ đóng duy nhất phí xử lý rác thải.

“Phí xử lý rác thải là 75.000 đồng/người/năm. Nhà tôi có 4 người, tổng vị chi là khoảng 300.000 đồng/năm. Tính ra, mức phí một năm ở nhà đất vẫn rẻ hơn cả chục lần phí dịch vụ một tháng ở chung cư”, anh Long cho biết.

Liệu có đáng?

Xoay quanh câu chuyện chi phí khi ở chung cư, hầu hết mọi người đều có những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng chính những khoản phí dịch vụ đã tạo ra những tiện ích mang tính cạnh tranh mà chỉ chung cư mới có.

Chị Thu Hoa đã ở chung cư được hơn 10 năm. Nhà chị có 2 con nhỏ nên chị đặc biệt yêu thích khu vui chơi dành cho trẻ em ở phía dưới tòa nhà. Ngoài ra, nhiều tiện ích khác tại đây cũng góp phần không nhỏ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình chị.

“Các dịch vụ mà mình hay sử dụng như phòng tập hay bể bơi đều hoàn toàn miễn phí. Không chỉ vậy, hệ thống an ninh tại chung cư cũng rất tốt, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Bản thân chung cư đã rẻ hơn so với nhà đất nên việc đóng thêm các khoản phí để đổi lại các dịch vụ tốt hơn là chuyện có thể hiểu được”, chị Thu Hoa chia sẻ với Zing.

Đủ loại phí ‘nuôi’ chung cư
Các dịch vụ tiện ích chính là một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa chung cư và nhà mặt đất. Ảnh: Ngọc Thành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng chính những khoản phí dịch vụ đã tạo ra rào cản khiến họ ngần ngại trong việc xuống tiền mua căn hộ chung cư, đặc biệt là đối với những người đã ở quen nhà phố.

“Riêng phần gửi xe là nhà đất tiện hơn hẳn chung cư, chỉ cần dựng xe trước cửa nhà là xong. Ở chung cư, cứ lôi xe ra một cái là tốn tiền, đã vậy lại còn phải đau đầu tìm chỗ trống để đỗ xe”, anh Tuấn Trường, một người kiên quyết lựa chọn ở nhà phố thay vì chung cư, bình luận.

Ngoài ra, một số người cảm thấy các khoản phí hiện tại là chưa thỏa đáng. Chất lượng dịch vụ mà tòa nhà cung cấp vẫn chưa tương xứng với số tiền mà họ chi trả hàng tháng.

“Chung cư tôi ở thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng mất điện, mất nước sinh hoạt. Khoảng không gian xanh quá ít, ghế đá xung quanh cũng xuống cấp trầm trọng”, chị Tuyết Nhung, cư dân sống tại một chung cư trung cấp ở quận Thanh Xuân, cho biết.

Bất chấp những tranh luận về mức phí dịch vụ, các số liệu về tỷ lệ hấp thụ đang cho thấy nhu cầu tìm mua căn hộ chung cư của người dân Việt Nam đang rất lớn.

Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hấp thụ đối với căn hộ chung cư giá rẻ là 100%; căn hộ chung cư trung cấp là 80-90%; căn hộ cao cấp là 30-50%.

Đủ loại phí ‘nuôi’ chung cư
Thống kê về tỷ lệ người dân sống tại căn hộ chung cư, nhà biệt lập, nhà liền kề tại EU. Ảnh: Eurostat.

Tại Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ người dân sống tại chung cư chiếm gần một nửa dân số. Theo Eurostat, vào năm 2019, tỷ lệ người dân EU sống tại căn hộ chung cư, nhà biệt lập, nhà liền kề lần lượt là 46%, 35% và 19%.

Căn hộ chung cư là loại hình cư trú phổ biến nhất ở 14 quốc gia thành viên EU. Đặc biệt, tại Latvia, Tây Ban Nha, Estonia, tỷ lệ người dân sống tại chung cư của 3 quốc gia này đều trên 60%.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích