Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa
Kỳ 1:
Hấp dẫp du khách bằng sự khác biệt – Câu chuyện nhìn từ du lịch Sơn La
Sơn La nằm trên trục đường Quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc, có 12 dân tộc cùng đoàn kết chung sống. Với vị trí địa lý là trung tâm của vùng Tây Bắc và tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La đang tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, Sơn La ước tính đón 2,2 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.
Phát triển du lịch cộng đồng…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hóa mục tiêu, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều giải pháp quan trọng, mở ra con đường lớn cho phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Trên cơ sở đó, phát huy lợi thế sẵn có là những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm A Chu Homestay trong chuyến công tác ở Sơn La. (Ảnh: CP ) |
Từ những bản vùng sâu hoang sơ, hẻo lánh, nhờ có làn gió mới từ du lịch cộng đồng mà chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên tươi mới, thoát được cái nghèo, cái đói từng đeo đẳng suốt bao năm tháng, giờ đây đều đã quen thuộc với những hình ảnh từng đoàn du khách cả Tây lẫn ta về nghỉ ngơi, khám phá. Nổi bật là những cái tên như: Bản Dọi, bản Hoa (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu), bản Nà Tâu (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La), bản Mòng (xã Hua La, thành phố Sơn La) hay bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ)…
Cùng với Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu), Hua Tạt là một trong số ít những bản thuần dân tộc Mông và còn lưu giữ được khá đầy đủ những phong tục cổ. Với lợi thế là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vài năm trở lại đây, Hua Tạt vươn mình trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Dù đã là cái tên được xác lập trên bản đồ du lịch nhưng Hua Tạt vẫn giữ được nét yên bình vốn có.
A Chu Homestay – nơi tôi đến là một ngôi nhà sàn độc đáo, tất cả đều tiện nghi nhưng lại rất gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống bản địa. Tráng A Chu – chủ homestay là người dân tộc Mông, anh cũng là người đầu tiên trong bản dựng homestay để thu hút du khách đến trải nghiệm cuộc sống của người Mông ở Vân Hồ. Để xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng giữ chân khách như thế, Tráng A Chu phải kiêm nhiều vai, từ lễ tân, nghệ sĩ, hướng dẫn viên, thậm chí là lúc cao hứng còn sẵn sàng vào bếp đãi khách.
Hai chiếc điện thoại để ở hai túi rộng bên mạng sườn gần như chỉ chịu nằm yên khi trời nhập nhoạng. Miệng vừa trả lời điện thoại, tay vừa gõ máy tính để kiểm tra phòng, mắt A Chu vẫn có thể dán chặt vào đoàn khách vừa đến, ướm thử họ đã “ưng cái bụng” hay chưa. A Chu bảo khách nào đến homestay lần thứ hai, anh gần như sẽ nhớ mặt, thậm chí ghi luôn cả thực đơn bữa trước trong đầu.
Trải nghiệm làm bánh dày theo cách của đồng bào dân tộc Mông tại Hua Tạt. (Ảnh: H.Phong) |
Từ thành công của A Chu, đến nay đã có nhiều gia đình trong bản đã học theo mô hình này. A Chu kể, ban đầu bà con trong bản cũng chưa hẳn tin lời anh. Nhưng rồi thấy khách tới A Chu Homestay không chỉ để ở mà còn mua nông sản của các hộ xung quanh, nhiều nhà tin theo. Theo hướng liên kết, các hộ cùng giúp nhau nâng cao chất lượng homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa. “Bà con ở bản phải đoàn kết, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”, A Chu tâm sự.
Chứng kiến sự đổi thay của các gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng ở Sơn La, anh Thanh Tùng, một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: “Tôi đến Sơn La từ mười năm trước và đã quay lại đây nhiều lần. Mừng nhất là chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện kể từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp. Tuy thế, bản sắc văn hóa cũng như tính cách của họ vẫn vậy, giản dị và hiếu khách”.
…Gắn với những giá trị văn hóa truyền thống
Từ khi huyện Vân Hồ thành lập năm 2013, Tráng A Chu và cha đã mạnh dạn tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn xây ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Đó cũng là ngày Quốc lộ 6 mới chạy qua, chia đôi bản Hua Tạt.
Hòa trong dòng chảy đó, ngôi nhà sàn độc đáo của A Chu, kết hợp những nét truyền thống của nhà người Mông, nhưng lại được trang bị công trình phụ tiện nghi tựa như một điểm nhấn, tạo ngay ấn tượng cho du khách lần đầu đặt chân tới Sơn La.
Bên cạnh việc trang trí nhà sàn bằng những vật liệu từ thiên nhiên như mái lợp bằng lá cọ, vách được ghép lại bằng những ống nứa, nhà A Chu cũng dành hơn 1.000m2 để nuôi gà, lợn, trồng rau, cung cấp tại chỗ nguồn thực phẩm sạch cho du khách.
Chàng Kỹ sư công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bằng “văn hóa”, “phong tục”, bằng những món đặc sản của người Mông như gà xương đen, lợn bản, rau củ…
Biến văn hóa truyền thống thành tài sản du lịch, A Chu tâm niệm như vậy. Đó là lý do, anh bài trí các điểm ăn, nghỉ đều theo lối truyền thống, kiểu nhà trệt bằng gỗ, xung quanh là những vườn rau xanh mướt theo mùa vụ, cùng những tán mơ, mận, đào rực rỡ khoe sắc mỗi độ xuân về.
Tráng A Chu làm hướng dẫn viên và chụp ảnh cho khách du lịch. (Ảnh: H.Phong) |
Tất cả mọi người ở A Chu homestay đều mặc trang phục của người Mông, như một cách quảng bá bản sắc văn hóa đến với du khách. Không dừng lại ở đó, A Chu còn miệt mài thiết kế các sản phẩm du lịch mang đậm giá trí văn hóa truyền thống mà vẫn đầy sức hấp dẫn. Đó là mời các hộ làm giấy dó, làm bánh dày trong bản làm vệ tinh cho mình. Nhờ du lịch cộng đồng, những nghề truyền thống tưởng chừng như sắp mai một lại được khơi thông để phát triển, mang lại đời sống ấm no cho chính những dân bản.
Tiếng lành đồn xa, những năm gần đây, khách đến A Chu Homestay khá đều đặn, có đoàn lên tới mấy chục người, vợ chồng A Chu phải thuê thêm nhân lực phục vụ. Nhiều công ty lữ hành cũng bắt đầu trao đổi, liên hệ, đặt phòng trước cả tháng, thậm chí cả năm. Bởi, có rất nhiều du khách nước ngoài muốn được trải nghiệm mô hình du lịch đặc biệt này.
Theo Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt Tráng A Cao, gia đình Tráng A Chu sống chan hòa với mọi người, luôn đóng góp và tham gia tích cực các phong trào của bản. Đơn cử như hiến 2.000m2 đất cho bản để làm đường và xây dựng nhà văn hóa; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng các công trình phụ cho điểm trường Hua Tạt (Trường Tiểu học Vân Hồ)…
Sự nhanh nhẹn, nhạy bén với thời cuộc, dám nghĩ, dám làm của Tráng A Chu chính là tấm gương sáng có sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho bà con Hua Tạt thay đổi cách nghĩ, bắt tay làm du lịch cộng đồng để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Cú hích từ chính sách
Nhiều khu, điểm du lịch ở Sơn La đã dần trở nên nổi tiếng, đã tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Khu du lịch Quỳnh Nhai; Ngọc Chiến; cầu kính Bạch Long (cây cầu có đường đi bộ bằng kính dài nhất thế giới); điểm du lịch Pha Đin Tốp; sống lưng khủng long; săn mây Tà Xùa… Đặc biệt, năm 2022 Khu du lịch quốc gia Mộc Châu – Sơn La được bình chọn là “Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu châu Á”…
Ngày càng nhiều du khách lựa chọn Sơn La là điểm đến yêu thích. (Ảnh: H.Phong) |
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Sơn La không ngừng tăng lên. Địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tổng lượt khách đạt 5,2 triệu lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.
Trước yêu cầu đòi hỏi phát triển du lịch, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch của tỉnh trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế…
Để khuyến khích, phát triển du lịch, mới đây Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 41/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 với 4 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La cũng đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Hà Nội – Sơn La với chủ đề “Sơn La điểm đến khác biệt an toàn và hấp dẫn”. 160 doanh nghiệp du lịch lữ hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống, hợp tác xã của Hà Nội và Sơn La đã có cuộc gặp trao đổi trực tiếp qua đó tìm hiểu nhu cầu giữa hai bên cũng như tiến tới xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch, hình thành những tour, tuyến du lịch Hà Nội – Sơn La, từ đây tạo nên các sản phẩm du lịch khác biệt, chuyên nghiệp hình thành vào sự phát triển du lịch chung của ngành Du lịch Việt Nam và của tỉnh Sơn La cùng Thủ đô Hà Nội.
Ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm A Chu Homestay. Sau khi tham quan và trò chuyện với bà con dân tộc Mông, Thủ tướng biểu dương bà con đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Đánh giá vấn đề khó khăn nhất với địa phương là giao thông, Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, du khách tới vùng đất đầy tiềm năng này. |
Hà Phong
(Kỳ 2: Để du lịch Tây Bắc cất cánh)
Nguồn: Báo lao động thủ đô