Chống ngập úng tại Hà Nội: Cần giải pháp đột phá

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tầm nhìn dài hạn, TP cần sớm bố trí một nguồn lực nhất định để có giải pháp chống ngập cục bộ mang tính đột phá.

Phần lớn do nguyên nhân chủ quan

Việc úng ngập tại đô thị hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Những trận mưa có cường độ lớn xảy ra trong thời gian ngắn một vài tiếng, vượt mức chịu đựng của hệ thống thoát nước xuất hiện ngày càng dày đặc hơn, dẫn đến việc cứ mưa là ngập. Không chỉ xảy ra đối với các đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện tượng ngập úng do mưa lớn còn diễn ra ở các TP trên cao như Đà Lạt, ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang…

Theo tính toán của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lượng mưa trung bình hằng năm của Hà Nội khoảng 1.700mm với 114 ngày mưa. Tuy nhiên, chỉ trong hai giờ chiều ngày 29/5, trạm Láng ghi nhận 138mm, vượt mốc lịch sử năm 1986 gần 6mm. Trong khi đó, quận Cầu Giấy mưa lớn nhất hơn 170mm, Tây Hồ 150mm, Hoàng Mai 130mm. Các quận khác lượng mưa đều hơn 100mm.

Đây là một trong những kỷ lục mưa giông được thiết lập ở Hà Nội trong vòng 36 năm qua. Mưa lớn khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập úng cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50cm, giao thông tê liệt. Nhiều chuyên gia đánh giá, trận mưa lớn ở Hà Nội chiều 29/5 không hạ tầng nào chịu được. Và trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Hà Nội chắc chắn sẽ còn phải chịu những cơn mưa lớn như vậy.

Úng ngập trên đường Trần Thái Tông. (Ảnh: Thanh Hải)

Bên cạnh yếu tố khách quan, các chuyên gia đô thị cho rằng còn nhiều nguyên nhân phần lớn do chủ quan. Đó là tình trạng quy hoạch đô thị cục bộ, bê tông hóa gia tăng, thiếu không gian xanh, diện tích thấm nước, không kiểm soát được việc xả rác thải, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ, kênh mương, quy hoạch thoát nước lạc hậu, hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội vừa thiếu vừa yếu… Những việc này đang khiến cho Hà Nội phải đối mặt với tình trạng cứ mưa là ngập, người dân phải chịu những bất tiện.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận, hạ tầng chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân chưa đảm bảo công tác thoát nước cho TP Hà Nội nên mỗi khi có mưa lớn bất thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. “TP đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát, nhưng việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 năm, 10 năm tới để đồng bộ các hệ thống theo quy hoạch đã được duyệt”, ông Nguyễn Thế Công cho hay.

Đồng bộ các giải pháp ngắn – dài hạn

Việc tìm giải pháp căn cơ cho công tác tiêu thoát nước, chống úng ngập là vấn đề cấp bách đối với Hà Nội hiện nay. Chính vì vậy, tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII tổ chức ngày 2/11, nội dung này đã được đưa ra bàn thảo.

Tại hội nghị này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: Các giải pháp, biện pháp mà nhiều đơn vị trên địa bàn TP đang thực hiện mỗi khi xảy ra úng ngập chỉ là tạm thời nhằm giải quyết tình huống, chưa phải biện pháp căn cơ, có tính bền vững, lâu dài. Người đứng đầu Đảng bộ TP cho rằng, đây là một vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Vì vậy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP hoàn thiện Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập, trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP trước khi trình HĐND TP xem xét.

Góp ý về các giải pháp cho Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng PSG.TS Bùi Thị An cho rằng, trong điều kiện kinh tế hiện nay, Hà Nội cần dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, đó là hệ thống sông, hồ để giải bài toán trước mắt. TP cần tập trung khơi thông, nạo vét toàn bộ sông hồ hiện có, thậm chí là đào thêm hồ để đảm bảo cho thoát nước mặt. Cùng đó, duy tu bảo dưỡng, chuẩn hóa lại hệ thống thoát nước, bổ sung, nâng cấp hệ thống cống đảm bảo kích thước, chất lượng, tách riêng nước thải với nước mưa…

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm phân tích, theo dõi về tình trạng úng ngập tại Hà Nội vừa qua cho thấy đã có giảm thiểu một số điểm úng ngập nhưng lại biến đổi về vị trí. Một số điểm chưa bao giờ ngập khi trời mưa như khu vực hồ Hoàn Kiếm, một số tuyến bố quận Hai Bà Trưng nhưng gần đây cũng bị chìm trong nước. Do đó, trong khi chờ các giải pháp căn cơ có tầm nhìn trung và dài hạn, trước mắt TP. Hà Nội cần tập trung lựa chọn giải pháp chống ngập cục bộ mang tính đột phá bằng công nghệ máy bơm thoát nước hiện đại.

“Khi áp dụng giải pháp chống ngập cục bộ này sẽ nhanh chóng thoát nước cho các điểm dân cư, các tuyến giao thông bị ngập sâu, ngập lâu sau mưa. Điều này góp phần rất lớn giảm những bức xúc, bất tiện cho người dân như thời gian qua”, TS. Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Về giải pháp bền vững, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, TP cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống thoát nước một cách đồng bộ cho các vùng của Hà Nội, có tính đến những yếu tố của biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải xem vấn đề thoát nước bao gồm nước mặt và nước thải là một trong những nội dung trọng tâm của Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lập và trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới.

Để thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề thoát nước tại Thủ đô được hiệu quả, bên cạnh quyết tâm của chính quyền, đơn vị chuyên ngành TP cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân, DN và toàn xã hội. Có sự phối hợp này, tình trạng cứ mưa là ngập tại Hà Nội mới mong sớm được hóa giải.

Liên quan đến vấn đề úng ngập đô thị, tại phiên trả lời chất vấn kỳ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn, mặc dù được các địa phương quan tâm nhưng chưa được giải quyết căn bản, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Về giải pháp, tư lệnh ngành xây dựng cho hay, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp; trong các quy hoạch tính tới biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp quy hoạch thủy lợi vùng lân cận, đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị. Bên cạnh đó, xác định cao nền khống chế toàn đô thị, thanh tra, kiểm tra việc quản lý cao nền đô thị, cấp phép các công trình xây dựng; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống công trình cấp nước theo quy hoạch.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích