Thị trường chứng khoán chịu áp lực từ việc bán giải chấp cổ phiếu lớn

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch kém tích cực do nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán giải chấp với khối lượng lớn. Tuy nhiên, trong tuần giảm giá mạnh thì khối ngoại lại miệt mài mua ròng cả 5 phiên liên tiếp là điểm rất đáng chú ý.

Thị trường chứng khoán chịu áp lực từ việc bán giải chấp cổ phiếu lớn. Ảnh minh họa: Hải Yên/Báo Tin tức

Giới phân tích nhận định, vùng quanh 900 điểm là hỗ trợ có tính chất kỹ thuật và tâm lý, nhưng vấn đề lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại là rủi ro giải chấp ở một số cổ phiếu VN30.

Rủi ro lớn từ việc bán giải chấp cổ phiếu nhóm VN30

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, rủi ro thanh khoản kéo Việt Nam đứng ngoài cuộc vui của thị trường thế giới trong tuần. Chỉ số VN-Index tiếp tục có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 4,27%, tương đương 42,62 điểm.

Đáng chú ý khi thị trường thế giới diễn ra tích cực trong tuần, chỉ số S&P 500 với mức tăng mạnh trên 6% (tính đến phiên ngày 10/11). Việc chỉ số chứng khoán Việt Nam lệch pha so với các thị trường thế giới đến từ rủi ro mất thanh khoản của một số cổ phiếu bất động sản lớn khi hoạt động bán giải chấp (margin call) xuất hiện.

Với 5 phiên giảm sàn liên tiếp trong tuần, NVL đã để mất 25% trong tuần và trở thành mã ảnh hưởng -7,3 điểm đến chỉ số. HPG và EIB là 2 mã tiếp theo ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số, 2 mã này cũng ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 15,4% và 20,5% và ảnh hưởng lần lượt -3,3 điểm và -2,1 điểm.

Chiều hỗ trợ thị trường, các mã dẫn đầu đều là những cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước như BID, GAS, VCB và POW; trong đó, BID là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất khi giúp VN-Index tăng 2,8 điểm. Khối ngoại bất ngờ chuyển sang trạng thái mua ròng với giá trị gần 4.500 tỷ đồng trong tuần, thị trường cũng xuất hiện thông tin quỹ Đài Loan (Trung Quốc) là Fubon ETF đã hút ròng hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 ngày từ ngày 7-9/11.

KDH là cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất với giá trị 535 tỷ đồng, VHM xếp thứ 2 với giá trị 296 tỷ đồng. Chiều bán ròng, khối khoại đã giảm mạnh giá trị bán ròng thể hiện ở việc HSG dẫn đầu danh sách bán ròng trong tuần với giá trị chỉ hơn 40 tỷ đồng.

Chỉ số đã phá vỡ vùng hỗ trợ 960 – 980 điểm, được Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá là phòng tuyến quan trọng trong ngắn hạn, khiến rủi ro giảm điểm của VN-Index ở mức cao. Vùng quanh 900 là vùng hỗ trợ có tính chất kỹ thuât và tâm lý tuy nhiên vấn đề lớn nhất của thị trường hiện tại là rủi ro giải chấp ở một số cổ phiếu VN30. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức tiêu cực.

Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch kém tích cực do nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán giải chấp với khối lượng lớn.

Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức sâu nhất là 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm). Thị trường chỉ phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần nhờ lực mua vào mạnh của khối ngoại sau thông tin lạm phát của Mỹ tích cực hơn kỳ vọng.

Chỉ số VN-Index phục hồi nhẹ và chốt tuần tại mức 954,5 điểm, giảm 4,3% so cuối tuần trước. Trong khi đó, cả hai chỉ số HNX-INDEX và UPCOM-INDEX cũng lần lượt lùi về mức 189,8 điểm và 68,6 điểm, lần lượt giảm 7,2% và 7,6% so cuối tuần trước.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 11.905 tỷ đồng/phiên tăng 1,5% so với tuần trước. Điểm tích cực là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước bán mạnh, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị đạt 4.123 tỷ đồng.

Điều tương tự diễn ra khi khối ngoại mua ròng 352 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so tuần trước trên sàn HNX và tăng 311% giá trị mua ròng trên sàn UPCOM, đạt 78 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản chịu áp lức bán giải chấp lớn trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã mất giá trên 50%, thậm chí là 70 – 80% từ đỉnh. Điều này là do các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn qua kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều cổ phiếu bất động sản sụt giảm giá trên 20% trong tuần qua như: NVL DIG, DXG, PDR. Trong khi đó, ngành ngân hàng chứng kiến sự phân hóa mạnh khi VCB, BID, ACB tăng lần lượt 5,2%, 8,1% và 8,2% trong tuần qua, trong khi TCB và MBB đều giảm 10,6%, VIB giảm 11,4%.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu phòng thủ như năng lượng, điện, hàng tiêu dùng, để tìm kiếm nơi trú ẩn, bao gồm GAS và MSN đều tăng 2,6%, POW tăng 8,2%.

VNDIRECT cho biết, số liệu CPI tháng 10 tại Mỹ tăng thấp hơn so với dự báo là một thông tin tích cực đối với thị trường tài chính toàn cầu. Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chỉ số Dollar index hạ nhiệt.

Điều này cũng được thể hiện thông qua động thái mua ròng mạnh của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua và phần nào đỡ lại lực bán tháo, margin call của nhà đầu tư nội.

Sức ép bán ra từ khối nội vẫn tương đối lớn trong tuần tới, đặc biệt là trước và sau phiên đáo hạn phái sinh ngày thứ 5 (17/11). Chỉ số VN-INDEX sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất là 940 – 950 điểm và dòng vốn ngoại sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong tuần tới, VNDIRECT nhận định.

VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại. Hiện P/E (hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu) của VN-INDEX đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, phản ánh tâm lý thị trường đang bi quan quá mức. Tỷ lệ giá trên sổ sách (P/B) của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức 0,7 – 0,8 lần. Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2022 và dự báo quý IV/2022 của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây.

Có thể thấy, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong khi đa phần doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực (trừ một số nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng).

Do vậy, VNDIRECT kỳ vọng thị trường sẽ phân hóa lớn và có những dòng cổ phiếu tạo đáy trước. Do đó, nhà đầu tư cần thật sự bình tĩnh để soi xét và đánh giá khách quan về danh mục đầu tư của mình.

Cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định và triển vọng kinh doanh tích cực trong những quý tới thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ chờ thị trường phục hồi.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, VN-Index ghi nhận một tuần giảm điểm khá mạnh dù cho có sự phục hồi trong phiên cuối tuần sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI điều chỉnh giảm so với kỳ vọng của giới đầu tư. Đáng chú ý là áp lực bán vẫn xuất hiện rất mạnh mẽ vào nửa cuối phiên chiều cuối tuần (11/11) và cản trở đáng kể đà phục hồi kỹ thuật của thị trường sau những phiên giảm mạnh.

Sau khi chỉ số CPI tháng 10 tại Mỹ được công bố vào tối thứ năm (10/11) theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán quốc tế ghi nhận xu hướng phục hồi mạnh và VN-Index cũng có những diễn biến đồng pha khi mở GAP (khoảng trống giá) tăng hơn 12 điểm ngay từ đầu phiên giao dịch khiến cho sắc xanh bao trùm thị trường, mặc dù vậy trên HOSE vẫn ghi nhận 90 cổ phiếu giảm sàn.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước – thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9 đồng thời cũng thấp hơn so với mức dự báo được đưa ra trước đó lần lượt là +0,6% và +7,9%.

Chứng khoán thế giới hồi phục

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi nhẹ thì thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 11/11 lại phục hồi mạnh, sau khi lạm phát tại Mỹ cải thiện nhanh hơn dự đoán, mang lại hy vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạn chế tăng lãi suất trong thời gian tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, vào cuối ngày 11/11, số liệu niêm yết tại thị trường chứng khoán New York cho thấy chỉ số S&P 500 tăng khoảng 1%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 1,9%.

Tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P tăng lên 3.956,37 điểm, chỉ số công nghệ Dow Jones (DJIA) tăng 3,7%, tương đương với hơn 1.200 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite, bao gồm cổ phiếu nhiều công ty công nghệ, nhảy vọt 7,4%, chạm mức 11.114,15 điểm.

Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã có một tuần khá thành công với bốn phiên tăng và chỉ một phiên giảm. Với mức tăng trong phiên cuối tuần 11/11, chỉ số Dow Jones đã tăng 4,1% còn S&P 500 tiến 5,9% – tuần tốt nhất kể từ tháng 6/2022. Chỉ số Nasdaq cũng tăng tới 8,1%, đánh dấu mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2022.

Thị trường chứng khoán các nước cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng 5,4%, đạt 16.948,96 điểm.

Chỉ số của sàn giao dịch Thượng Hải (Shanghai Composite Index) tăng 1,2% lên 3.073,36 điểm, sau khi nhà chức trách Trung Quốc cam kết điều chỉnh chính sách “Không COVID” để giảm thiểu thiệt hại và tránh làm gián đoạn nền kinh tế.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,7% lên 28.186,34 điểm, chỉ số Kospi của sàn Seoul (Hàn Quốc) tăng 2,8%, đạt 2.471,10 điểm, còn chỉ số S&P-ASX 200 của Sydney (Australia) tăng 2,4% lên 7.128,40 điểm.

Chỉ số tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán New Zealand, Singapore và Jakarta (Indonesia) đều tăng, riêng chỉ có chỉ số của sàn Bangkok (Thái Lan) bị giảm.

Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng 0,4% so với tháng 9 và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi – không tính thực phẩm và năng lượng – tăng 0,3% trong tháng 10 và tăng 6,3% theo năm.

Ngay sau đó, giới chuyên gia dự báo còn quá sớm để khẳng định giá cả đã được kiểm soát, tức giới chức Fed sẽ phải duy trì mức lãi suất cao trong tương lai gần.

Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực mới nhất, các nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay cơ bản vào tháng 12 tới, nhưng chỉ tăng ở mức 0,5% so với 4 lần liên tiếp tăng 0,75% gần đây.

Ông Edward Moya – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty ngoại hối OANDA – nhận định, những số liệu mới nhất là dấu hiệu cho thấy Fed “đang đi đúng hướng”, nhưng họ sẽ vấp phải “rất nhiều biến số” trong những quý tiếp theo.

Ông dự đoán lãi suất cơ bản có thể sẽ tăng đến 5% và nếu lạm phát vẫn còn tiếp diễn, lãi suất có thể tăng lên mức 5,5%.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích