Quảng Nam: Chủ tịch xã, phường ở Điện Bàn chịu trách nhiệm nếu để kinh doanh khoáng sản trái phép
Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thị xã Điện Bàn năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2023.
Báo cáo cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn thị xã Điện Bàn còn 4 giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực đang hoạt động khai thác. Đến thời điểm hiện tại các mỏ này đã ngưng hoạt động, lập thủ tục trình cấp thẩm quyền xem xét cho phép đóng cửa mỏ theo quy định.
Tổng số đơn vị đang hoạt động khoáng sản trên địa bàn thị xã gồm 3 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Quang, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Lộc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thương mại Đại Việt.
Hút cát trên trên dòng sông Cổ Cò, thuộc thị xã Điện Bàn. (Ảnh: Văn Luận) |
Đối với việc kiểm tra, truy quét hoạt động khoáng sản trái phép, UBND thị xã Điện Bàn cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, truy quét và phối hợp kiểm tra, truy quét giữa các cơ quan, ban ngành, UBND các xã, phường và Trạm chốt chặn trong công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát đã kịp thời phát hiện và xử lý ngay những hành vi vi phạm trọng hoạt động khai thác khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn quản lý.
Qua đó, đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trọng hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp,…
Năm 2023, UBND thị xã Điện Bàn đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp gồm: Lập thủ tục đề xuất bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn giai đoạn đến năm 2030 đối với các điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi) mới đã được khảo sát, xác định cụ thể vị trí tọa độ, diện tích, sơ bộ trữ lượng trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Trong thời gian chờ quy hoạch tỉnh được phê duyệt, năm 2022-2023 và căn cứ vào nhu cầu thực tế, UBND thị xã lựa chọn những điểm mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường có điều kiện khai thác thuận lợi, phục vụ cho nhu cầu trên địa bàn, đề xuất bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt để tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản và lập hồ sơ, thủ tục trình cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
UBND các xã, phường phải tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, chịu trách nhiệm về quản lý tài nguyên khoáng sản thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng hoạt động khoáng sản trái phép, quá trình quản lý. Nếu vượt quá khả năng thì đề nghị UBND cấp trên hỗ trợ xử lý.
Nếu không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc không báo cáo cấp trên để hỗ trợ xử lý kịp thời các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND cấp trên,…
Nguồn: Báo lao động thủ đô